Đẩy mạnh chương trình Đối tác đô thị phát triển kinh tế

Thúc đẩy chương trình Đối tác đô thị phát triển kinh tế

Hội thảo "Đối tác đô thị về phát triển kinh tế địa phương" lần 2 chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức đến từ Philipinnes và Thái Lan.
Ngày 13/3, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo vùng lần thứ hai với chủ đề "Đối tác đô thị về phát triển kinh tế địa phương" do Hiệp hội Các đô thị Việt Nam tổ chức dưới sự tài trợ của Liên đoàn Đô thị Canada.

Tham gia hội thảo có lãnh đạo các địa phương của Việt Nam và Campuchia được hưởng lợi từ chương trình Đối tác đô thị và sự chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức đến từ Philipinnes và Thái Lan.

Hội thảo nhằm xác định những bài học kinh nghiệm và những thực tiễn tốt từ giai đoạn đầu của các dự án điểm ở Việt Nam và Campuchia, đồng thời đưa ra những kiến nghị cho việc tiếp tục thực hiện chương trình Đối tác đô thị về phát triển kinh tế địa phương (MPED) ở khu vực châu Á.

Với sự chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về phát triển kinh tế địa phương của các đối tác của chương trình, chính quyền các địa phương có cơ hội so sánh các kết quả và chiến lược với các dự án khác và sẽ xác định chương trình hành động thực tiễn nhằm cải thiện tác động của dự án. Qua đó, các địa phương sẽ xây dựng một nền tảng cho phản biện chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

Hội thảo cũng đã dành nhiều thời gian để giới thiệu việc lập kế hoạch Chiến lược phát triển kinh tế địa phương, đồng thời chia sẻ các phương thức và phương pháp khác nhau trên các lĩnh vực nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo kế hoạch, đối với giai đoạn 2 của dự án điểm, các lĩnh vực này sẽ được ưu tiên để đảm bảo tìm kiếm sự đồng thuận, giống nhau giữa các dự án và việc sử dụng các nguồn lực. Lĩnh vực thứ ba hiện nay cũng là một ưu tiên của Việt Nam là lập và quản lý quy hoạch sử dụng đất.

Ý tưởng dịch vụ đô thị hỗ trợ các doanh nghiệp và doanh nhân ở Việt Nam và Campuchia khá mới mẻ. Hầu hết các dự án điểm đều đang thử nghiệm những sáng kiến để xem xét loại hình dịch vụ nào hỗ trợ tốt nhất cho địa phương của họ.

Ở Canada và nhiều nước khác, các dịch vụ được đặc biệt nhấn mạnh vào doanh nhân nữ, thanh niên đã rất thành công trong việc tạo ra cơ hội cho những nhóm đối tượng này. Những dịch vụ đó có thể ở dạng đào tạo, tập huấn, tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật cho lập kế hoạch kinh doanh và nghiên cứu thị trường.

Một trong những mục tiêu của MPED là hỗ trợ bình đằng giới ở những nước thực hiện chương trình. Phụ nữ ở tất cả các nước thường không gặp thuận lợi khi khởi nghiệp, cũng có thể do thiếu cơ hội đào tạo, tiếp cận với nguồn vốn, kết nối mạng lưới kém hoặc gặp rủi ro, hoặc do nhiều yếu tố khác.

Việc tạo ra các dịch vụ hỗ trợ cho nhóm đối tượng này để vượt qua các rào cản là một cách tốt để tăng cường bình đẳng./.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục