Hợp tác Á-Âu ứng phó thách thức hậu khủng hoảng

Diễn đàn ASEM “Lưới an toàn xã hội: Tăng cường hợp tác nhằm ứng phó các thách thức giai đoạn hậu khủng hoảng” diễn ra ngày 18/4.
Ngày 18/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khai mạc Diễn đàn ASEM với chủ đề “Lưới an toàn xã hội: Tăng cường hợp tác nhằm ứng phó các thách thức giai đoạn hậu khủng hoảng.”

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 150 đại biểu đến từ các nước châu Á, châu Âu, tổ chức quốc tế, nhà khoa học, học giả trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh diễn đàn được tổ chức vào lúc tất cả các thành viên ASEM đang tiếp tục nỗ lực để ứng phó với những hệ quả xã hội sâu sắc của khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, cuộc khủng hoảng đã làm cho khoảng 205 triệu người mất việc làm và đẩy khoảng 64 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.

Trận động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản ngày 11/3 cũng như thiên tai khắc nghiệt tại nhiều nước thành viên, những biến động chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi, càng cho thấy phúc lợi, an sinh của người dân đang bị đe dọa hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo đảm phúc lợi cho mọi người dân càng trở nên cấp bách.

Thứ trưởng nêu rõ Hội nghị cấp cao ASEM 3 năm 2000 đã nhấn mạnh nhu cầu tăng cường lưới an toàn xã hội và Hội nghị cấp cao ASEM 8 năm 2010 đã lấy "Chất lượng cuộc sống vì hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân" là chủ đề của Hội nghị.

Diễn đàn lần này diễn ra vào lúc các thành viên ASEM đang tích cực triển khai các quyết định quan trọng đó của Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 8 và Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEM lần thứ 3 năm 2010.

Với số lượng thành viên đông đảo, đại diện cho hơn 60% dân số thế giới, khoảng 55% GDP toàn cầu và có nhiều kinh nghiệm, khả năng công nghệ tiên tiến, ASEM hoàn toàn có khả năng, cần và phải có trách nhiệm đóng góp thực sự, thiết thực vào các nỗ lực bảo vệ phúc lợi của người dân.

Cùng với sáng kiến "Diễn đàn ASEM về tăng trưởng xanh" dự kiến sẽ tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm nay, diễn đàn này là bước cụ thể hóa chủ trương và quyết tâm của Việt Nam về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có việc đóng góp thiết thực cho hợp tác ASEM, hướng tới phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm.

Bà Eeva Kuuskoski, Quốc vụ khanh các Vấn đề xã hội và Y tế Phần Lan phát biểu rằng Diễn đàn hợp tác ASEM chủ trương thúc đẩy hợp tác trên cả ba trụ cột chính trị, kinh tế và các lĩnh vực xã hội, môi trường, văn hóa, y tế, nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Vì thế, việc xây dựng mạng lưới an toàn xã hội cho mọi người dân là cần thiết bởi mạng lưới xã hội phát triển không chỉ mang lại lợi ích cho con người mà còn mang lại hiệu quả cao trong quá trình thúc đẩy kinh tế phát triển. Các kinh nghiệm và trao đổi tại diễn đàn sẽ góp phần gợi mở cho từng thành viên ASEM những biện pháp xây dựng chính sách bảo trợ cho phù hợp với điều kiện cụ thể.

Phát biểu đề dẫn, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng câu hỏi lớn đặt ra hôm nay là làm sao tất cả chúng ta có thể đối phó với một thực tế mới của sự chuyển dịch và thách thức toàn cầu. Do đó rất cần có một giải pháp toàn cầu cho các vấn đề liên quan tới Mạng lưới An toàn Xã hội và nền bảo vệ xã hội; bao gồm việc bảo tồn các quyền cơ bản của con người như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nước sạch, nhu yếu phẩm, dịch vụ an ninh xã hội, cơ hội việc làm…

Tại diễn đàn này, các thành viên ASEM sẽ tập trung vào việc làm rõ các cơ hội và thách thức mà mỗi quốc gia ASEM đang phải đối mặt, đồng thời cung cấp những tầm nhìn, giải pháp và khuyến nghị hữu ích, khả năng chống đỡ của các quốc gia trong việc bảo vệ tầng lớp dân cư nghèo, dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng sẽ nhấn mạnh đến nhu cầu gia tăng sự hợp tác giữa các quốc gia ASEM với nhau và với các tổ chức quốc tế khác; hướng tới thành lập một cơ chế hợp tác trong khuôn khổ ASEM mà tại đó các quốc gia thành viên có thể phát huy vai trò của Mạng lưới An toàn Xã hội trong bối cảnh bảo vệ các quyền cơ bản, giải quyết, đối phó với khủng hoảng toàn cầu về năng lượng, thực phẩm, thất nghiệp, bệnh tật, thiên tai, biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế và là một trong những nước rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và sự bất thường về thời tiết. Để nỗ lực đối phó với các ảnh hưởng bất lợi này, Việt Nam luôn đánh giá cao tầm quan trọng của Mạng lưới An toàn Xã hội, đặt ưu tiên cao cho phát kinh tế, bảo đảm phúc lợi, công bằng xã hội và cụ thể hóa trong các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cũng như Chiến lược quốc gia về An toàn xã hội 2011-2020, nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Diễn đàn đã nhận được gần 20 tham luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung vào 3 nội dung: Tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính và các thách thức toàn cầu đối với bảo trợ xã hội và lưới an toàn xã hội; Củng cố công tác bảo trợ xã hội và các lưới an toàn xã hội; Tăng cường hợp tác trong công tác bảo trợ xã hội và lưới an toàn xã hội./.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục