Kiểm soát và bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu

Để bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm, các đơn vị theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời.

Để bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá nhằm bình ổn thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết và sau Tết.

Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ đưa hàng hóa về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới; tích cực và chủ động đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam;" đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là xúc tiến thương mại biên giới, hải đảo.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nên tổ chức rà soát, cân đối đủ nhu cầu vốn, nhu cầu ngoại tệ để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư ngay từ tháng đầu năm 2014, trên cơ sở đó xây dựng cơ cấu, phương án huy động các nguồn vốn hợp lý, đảm bảo thu xếp đủ vốn cho dự án và đảm bảo an toàn tài chính doanh nghiệp.

Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu, giá điện, than bán cho sản xuất điện theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết tháng 1/2014, mặc dù có phần nhộn nhịp hơn so với tháng 12/2013 nhưng so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán của các năm trước, thị trường hàng hóa kém sôi động hơn hẳn.

Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng Một đạt 237.500 tỷ đồng tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia thương mại, thị trường hàng hóa trong những ngày giáp Tết phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo nhu cầu mua sắm trong dịp cuối năm. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vì vậy, dù các hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận có xu hướng gia tăng nhưng lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục và kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, các vấn đề nổi cộm phát sinh nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành Trung ương về việc “Tăng cường chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, an toàn thực phẩm” trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.

Lực lượng quản lý thị trường triển khai kiểm tra trên 15.000 vụ, xử lý trên 10.000 vụ với tổng thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 20 tỷ đồng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục