Dừng các phương tiện vận chuyển khách ở vùng bão

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tạm dừng các phương tiện vận chuyển khách bằng đường sắt, đường bộ trong thời gian bão số 10 đổ bộ.
Trước ảnh hưởng của siêu bão số 10 trên biển Đông, ngày 30/9, Bộ Giao thông vận tải đã có Công điện khẩn số 55/CĐ-BGTVT chỉ đạo các đơn vị trong ngành, các sở Giao thông vận tải: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên chủ động các phương án ứng phó.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần triển khai phương án đối phó với mọi diễn biến của bão, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống và có các biện pháp bảo vệ các công trình cầu, cống, kho tàng, nhà ga, bến cảng, phương tiện vận tải, thiết bị thi công… nhằm hạn chế thiệt hại do cơn bão gây ra đến mức thấp nhất.

Các đơn vị chuẩn bị nhân lực, vật lực và duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu, thực hiện tuần đường 24/24 giờ đối với các tuyến đường bộ, đường sắt, các tuyến đường quan trọng; tạm dừng các phương tiện vận chuyển khách bằng đường sắt, đường bộ trong thời gian bão đổ bộ và hoàn lưu của bão còn bị ảnh hưởng mạnh.

Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các cảng hàng không, sân bay chỉ cho các chuyến bay bay qua vùng ảnh hưởng của bão khi đảm bảo đủ các điều kiện an toàn; dừng các chuyến bay trong thời gian bão đổ bộ và hoàn lưu của bão còn ảnh hưởng mạnh.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải từ Thanh Hóa đến Quãng Ngãi, Trung Tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực II, tổ chức ứng trực 24/24 giờ, thông báo đến các chủ tầu, thuyền trưởng, các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải biển trên địa bàn để triển khai nhanh phương án, kế hoạch Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn; điều động các tàu đang làm hàng tại các cầu cảng ra khu neo đậu để tránh bão; dừng cấp phép rời cảng cho các tầu trong thời gian hoàn lưu của bão còn ảnh hưởng và tổng hợp số lượng tàu hiện có trong khu vực để hướng dẫn và xử lý khi có sự cố xảy ra.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực bị ảnh hưởng của bão triển khai các phương án, biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; bảo vệ nhà trạm, trang thiết bị, kho tàng, nhà cửa, phương tiện, điều động các tàu đang làm hàng tại các cầu cảng ra khu neo đậu để tránh bão; dừng cấp phép rời cảng cho các tầu trong thời gian hoàn lưu của bão còn ảnh hưởng.

Các sở sở Giao thông vận tải trong vùng ảnh hưởng của bão số 10 cần đề phòng mưa lớn trên diện rộng gây lũ quét và sạt lở đất trên các tuyến đường giao thông; chủ động phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức đảm bảo giao thông, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, thiết bị và lực lượng ứng cứu để khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.

Cơn bão số 10 hướng vào các vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, đang gây gió mạnh và còn đi sâu vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Trị. Đây là cơn bão mạnh nhất trong 6 năm qua ảnh hưởng tới miền Trung./.

Hoàng Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục