Nga nỗ lực để trở thành hành lang quá cảnh Âu-Á

Nga quyết tâm không chỉ đóng vai trò cầu nối về chính trị-văn hóa mà còn là cầu nối về giao thông quy mô lớn giữa châu Âu và châu Á.
"Nga phải trở thành hành lang quá cảnh lớn giữa châu Âu và châu Á" - là tuyên bố của Chánh văn phòng Tổng thống Nga Sergei Naryshkin tại Hội thảo “Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông giữa châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương quá cảnh lãnh thổ Nga” diễn ra tại Irkutsk.

Phát biểu tại cuộc hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế quốc tế Baikal lần thứ 6 này, ông Naryshkin cho rằng về mặt lịch sử, Nga đóng vai trò cầu nối gắn liền hai nền văn minh châu Âu và châu Á.

Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất của Nga là không chỉ đóng vai trò cầu nối về chính trị và văn hóa, mà còn là cầu nối về giao thông quy mô lớn. Do đó, cần xây dựng những hệ thống đường ống, đường sắt, đường bộ, đường biển và đường không mới liên lục địa Á-Âu.

Về xây dựng "Con đường tơ lụa" của thế kỷ 21, ở giai đoạn đầu tiên, Nga tập trung nguồn lực nhằm phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở năng lượng, cụ thể là đề án hệ thống đường ống Đông Siberia -Thái Bình Dương.

Hiện nay, giao thông vận tải giữa châu Âu và các quốc gia đang phát triển năng động ở châu Á-Thái Bình Dương chủ yếu vận hành trên tuyến đường biển vòng quanh lục địa Á-Âu, thậm chí cả châu Phi.

Quá trình vận chuyển hàng hóa theo hành trình này mất nhiều chi phí và thời gian, cụ thể như tuyến đường biển đi từ châu Âu đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngang qua Ấn Độ Dương phải kéo dài khoảng 40 ngày đêm, trong khi việc vận chuyển quá cảnh qua Nga đạt hiệu quả cao hơn.

Về đường sắt, hành trình từ các cảng Viễn Đông theo tuyến đường sắt Nga tới châu Âu chỉ mất không quá 11 ngày, thậm chí đến năm 2012, thời gian vận chuyển container theo tuyến đường sắt Sibiri đến khu vực châu Âu của Nga sẽ mất không quá một tuần.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch của Nga, trên hành lang giao thông châu Âu-Nga, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mạng lưới sân bay và các tuyến đường bay qua Bắc Cực sẽ được hiện đại hóa.

Việc nối lại giao thông, vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu trên tuyến đường biển qua Bắc Cực cũng sẽ được coi trọng. Mùa Hè năm nay, các chuyến đi thử nghiệm đầu tiên của tàu chở dầu từ châu Âu theo đường hàng hải phương Bắc đến châu Á, được tàu phá băng Nga mở đường, đã giúp rút ngắn gần một nửa lộ trình so với hành trình truyền thống.

Thời gian tới, Chính phủ Nga sẽ thông qua quyết định về điểm cuối cùng cho tuyến đường ôtô cao tốc từ Trung Quốc qua  Kazakhstan tới Nga. Điểm đến cuối cùng có thể là Saint Petersburg hoặc có thể qua lãnh thổ Belarus và Litva đến tận Kaliningrad.

Các đề án giao thông này đã qua giai đoạn khảo sát và chuẩn bị triển khai các bước tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục