Tìm giải pháp phát triển giao thông thủy tại ĐBSCL

Với đặc điểm địa hình sông nước, hoạt động giao thông đường thủy ở ĐBSCL có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2012 đạt 9,8 tỷ USD.

Trong đó chủ yếu là các mặt hàng có giá trị cao như gạo, thủy sản chế biến, rau quả đông lạnh, hàng may mặc, giày da...Để những mặt hàng này “đi” một cách trôi chảy, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã khai thác lợi thế sẵn có về giao thông đường thủy.

Với đặc điểm địa hình sông nước, hoạt động giao thông đường thủy ở Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Tỷ lệ hàng hóa và hành khách trong vùng được vận chuyển bằng đường thủy chiếm hơn 60%. Theo thống kê của Cục đường thủy nội địa, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 30 kênh liên tỉnh, đóng vai trò lưu thông liên hoàn, huyết mạch giữa các tỉnh trong khu vực.

Bà Bùi Thị Minh Thủy, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang chia sẻ, toàn tuyến kênh Chợ Gạo có chiều dài hơn 28 km, trong đó đoạn Rạch Lá dài hơn 10 km, Chợ Gạo dài 11,6km và Rạch Kỳ Hôn hơn 6,8km. 5 năm trở lại đây giao thông thủy trên tuyến kênh Chợ Gạo phát triển đột biến về lưu lượng và tải trọng. Mỗi ngày có khoảng 1.400 lượt phương tiện tải trọng từ 200-1.000 DWT lưu thông, những ngày cao điểm lên 1.800 lượt phương tiện.

Ông Trần Trung Hoàng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trà Vinh cho biết: Kênh Quan Chánh Bố (nay gọi là kênh Trà Vinh) có nguồn gốc từ Rạch Láng Sắc được Chính phủ phê duyệt nạo vét để các tàu thuyền đi tắt vào sông Hậu, đến cảng Cái Cui, đáp ứng nhu cầu vận chuyển 80% hàng hóa của các tỉnh trong khu vực đến thành phố Hồ Chí Minh hoặc xuất khẩu đi các nước. Tuy nhiên, đây là kênh nhỏ, chịu sự bồi lắng hàng năm nên việc tạo nên một kênh giao thông thủy đi tắt đang gặp khó khăn.

Theo ông Phạm Tiết Khoa, Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Trà Vinh, khi kênh Quan Chánh Bố hoàn thành, các tàu vận tải có thể rút ngắn 80 km từ thành phố Hồ Chí Minh về Trà Vinh. Ngoài ra, đây cũng là phương án giảm tải tốt nhất cho giao thông đường bộ của Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay vừa sử dụng hết tiềm năng về địa thế của khu vực.

Để phát triển toàn diện hệ thống giao thông liên hoàn thủy – biển – bộ đang là thách thức của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo bà Bùi Thị Minh Thủy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang, dự án nạo vét kênh Chợ Gạo được phê duyệt năm 2009 với tổng kinh phí đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, được triển khai thi công tháng 8/2010 và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2014. Theo đó kênh được mở rộng 2 bên khoảng 80 mét. Tỉnh Tiền Giang đã vận động người dân hưởng ứng, hỗ trợ vay vốn ngân hàng để di dời nhà ở khỏi khu vực dự án. Huyện Chợ Gạo đã giải quyết di dời được 40 hộ. Tuy nhiên hiện nguồn vốn thực hiện dự án không đủ vừa làm chậm tiến độ, vừa ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Không những vậy, kênh lở làm mất đường đi dọc hai bờ kênh, gây ảnh hưởng đến sản xuất của 3 cơ sở sản xuất nước mắm.

Ông Lê Văn Năm, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Thuận Phát, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo cho biết: Hơn 2 năm nay cơ sở không thể sản xuất vì đường đi bị lở lớn, hơn nữa cơ sở nằm trong vùng dự án chuẩn bị di dời nên khách hàng không mua nước mắm nữa, làm cho cơ sở sụt giảm 80% doanh thu.

Nếu kênh Chợ Gạo gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và cuộc sống nhiều hộ dân thì dự án kênh Quan Chánh Bố kiến nhiều tàu ghe khó cập cảng. Ông Phạm Tiết Khoa cho biết thêm, kênh Quan Chánh Bố được thi công nối liền với kênh đào Trà Vinh giúp các tàu hơn 5.000 DWT có thể vào được, rút ngắn đoạn đường từ thành phố Hồ Chí Minh đến cảng Cái Cui gần 100 km. Thế nhưng kênh chưa hoàn thiện nên các tàu phải qua cửa Định An lên sông Hậu vào cảng Cái Cui, đến đây gây ách tắc tàu ghe khi cập cảng. Do đặc điểm tự nhiên là cửa sông, bồi lắng phù sa thường xuyên nên theo kế hoạch, cảng Định An và kênh Quan Chánh Bố sẽ được nạo vét 5 năm/lần để tạo điều kiện cho tàu hơn 5.000 tấn lưu thông. Nhưng đến thời điểm này, dự án vẫn nằm trên kế hoạch, nhiều tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ cũng rất khó khăn để cập cảng.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi kênh Quan Chánh Bố chưa có và luồng Định An chưa cho phép tàu trọng tải trên 10.000 tấn ra vào thì có thể chọn cảng Cái Cui, cảng Cần Thơ làm cảng cạn, bãi tập kết giống như hình thức tổ chức cảng Phước Long của thành phố Hồ Chí Minh. Cách làm này là không tập trung đầu tư lớn về hạ tầng, cầu cảng mà chủ yếu là tìm đối tác để khai thác cảng, hợp tác đầu tư và cho thuê dài hạn. Ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa, Bộ Giao thông vận tải cho biết: Do khó khăn về kinh tế, dự án kênh Chợ Gạo đã được điều chỉnh quy mô 2 lần. Cục đã kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải bố trí 750 tỷ nguồn trái phiếu Chính phủ để triển khai lại dự án.

Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ để tiếp tục thi công kênh Quan Chánh Bố rất khó khăn. Cách đây 6 năm, kinh phí đầu tư cho kênh này là 3.200 tỷ đồng. Nhưng với thời điểm hiện nay để nạo nét kênh này xuống sâu 4 mét cho tàu tải trọng trên 10.000 tấn vào cảng Cái Cui cần có 10.300 tỷ đồng. Vì vậy, ông Phan Thành Tiến, Giám đốc cảng Cần Thơ cho rằng cần nhanh chóng thực hiện T hông báo 407 của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/12/2012 cho phép xuất nhập khẩu cát nhiễm mặn ở các cửa sông để có kinh phí đầu tư thông luồng và tiếp tục triển khai kênh Quan Chánh Bố./.

Hồng Nhung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục