Hà Nội chi 3.300 tỷ đồng cho việc chỉnh trang đô thị

Theo Dự thảo Kế hoạch chỉnh trang đô thị giai đoạn 2011-2015, thành phố dự kiến chi 3.300 tỷ đồng cho 124 dự án chỉnh trang đô thị.
Ngày 24/12, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội cho biết, theo Dự thảo Kế hoạch chỉnh trang đô thị giai đoạn 2011-2015, thành phố dự kiến chi 3.300 tỷ đồng cho 124 dự án chỉnh trang đô thị.

Theo kế hoạch trên, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hạ ngầm, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi tại một số tuyến phố từ trung tâm thành phố ra ngoài, liên hoàn, có tính hệ thống với các tuyến phố đã thi công trong khu vực; thực hiện chỉnh trang các tuyến đường phố chính, trung tâm, xuyên tâm; cải tạo chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật các tuyến phố đồng bộ với chỉnh trang mặt nhà, mặt phố, góc phố.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp một số quảng trường, công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố; tiếp tục đầu tư hệ thống chiếu sáng các ngõ, xóm các quận nội thành, chiếu sáng thị trấn, thị tứ; thực hiện đầu tư các dự án chỉnh trang đô thị theo phương thức xã hội hóa...

Trước mắt, trong năm 2011, thành phố dự kiến sẽ thực hiện 40 dự án, trong đó có năm dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật kết hợp hạ ngầm các đường dây đi nổi; tám dự án hạ ngầm đường dây đi nổi tuyến đường, phố; 13 dự án cải tạo, chỉnh trang tuyến đường; sáu dự án chỉnh trang, cải tạo vườn hoa; ba dự án chiếu sáng và năm dự án khác. Kinh phí thực hiện các dự án này khoảng 602 tỷ đồng.

Năm 2010, Hà Nội đã triển khai 69 dự án chỉnh trang đô thị, trong đó có 29 dự án chỉnh trang hạ tầng đồng bộ với hạ ngầm các đường dây, cáp đi nổi, tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại trên một số tuyến phố chính; 17 dự án cải tạo, chỉnh trang công viên, vườn hoa, quảng trường; 23 dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng đô thị cũng đã được triển khai phục vụ Đại lễ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Xây dựng, việc triển khai hạ ngầm, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi đồng bộ với chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật các tuyến phố là công việc phức tạp, khó khăn, liên quan đến nhiều đơn vị nên tiến độ thực hiện chưa bảo đảm theo kế hoạch.

bên cạnh đó, năng lực của một số nhà thầu còn hạn chế, thiếu công nhân cũng dẫn đến chậm tiến độ thi công công trình và giám sát của chủ đầu tư chưa thường xuyên, kiên quyết nên chất lượng hoàn trả hè đường ở một số hạng mục chưa đảm bảo chất lượng, đồng bộ./.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục