Tự biết bảo vệ mình

Phóng viên và tòa soạn cần tự biết cách bảo vệ mình

Xung quanh vụ baomoi.com, để rộng đường dư luận, Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với các luật sư cũng như các chuyên gia pháp lý.
Trong vài ngày qua, dư luận đang hết sức quan tâm đến vụ việc báo điện tử Petrotimes dọa kiện trang tin tổng hợp baomoi.com vì sử dụng tin, bài khi chưa được sự cho phép. Xung quanh vấn đề này, để rộng đường dư luận, Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với các luật sư cũng như các chuyên gia pháp lý. Tác phẩm báo chí phải được bảo hộ Liên quan đến vụ Petrotimes “dọa kiện” baomoi.com, ông Lê Cao, chuyên gia pháp lý thuộc Công ty Luật hợp danh FDVN, khẳng định việc trích dẫn nguồn tin cần phải theo quy định về quản lý thông tin điện tử trên Internet. Ông Cao nêu rõ: "Đối với trường hợp baomoi.com “quét lại” tin của các trang báo mạng hiện nay, chiếu theo pháp luật về sở hữu trí tuệ thì cần phải xem xét việc sử dụng các tác phẩm báo chí được bảo hộ đã được sự đồng ý hay chưa, có thuộc trường hợp không phải xin phép không. Theo quy định tại Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ thì tác phẩm báo chí cũng là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, không phải bất kỳ bài viết, tin tức báo chí nào cũng được pháp luật bảo hộ quyền tác giả. Theo hướng dẫn tại Nghị định 100/2006/NĐ-CP, các thể loại như: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí… thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả. Đối với các tác phẩm thuộc diện kể trên, các quyền này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền nói trên phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. “Như vậy, đối với các tác phẩm báo chí được bảo hộ quyền tác thì khi phân phối, truyền đạt, sao chép ... tổ chức, cá nhân phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả,” chuyên gia Lê Cao khẳng định. [Petrotimes: “Nếu Baomoi có thiện chí thì sẽ bàn bạc”] Riêng về trường hợp của website baomoi.com, ông Cao cho hay, dựa trên hình thức và hoạt động của baomoi.com thì đó có thể là một trang thông tin điện tử tổng hợp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động. “Về nguyên tắc, việc thiết lập trang thông tin điện tử, việc cung cấp, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin điện tử trên Internet phải tuân thủ các quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về báo chí, pháp luật về xuất bản, pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, pháp luật về bản quyền, pháp luật về quảng cáo và các quy định quản lý thông tin điện tử trên Internet,” vị chuyên gia nhận định. Khi có chứng cứ, cơ sở pháp lý kết luận việc các tác phẩm báo chí của mình được pháp luật bảo hộ bị xâm phạm thì các tòa soạn hoàn toàn có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hoặc khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Không có tiền lệ quốc tế Trên tư cách là một luật sư, ông Bùi Quang Hưng, Trưởng Văn phòng luật sư BQH và cộng sự cho rằng, ở nước ngoài không bao giờ có những trang web tổng hợp tin như baomoi.com. “Theo tôi, việc các báo điện tử đợi đến bây giờ mới phản ứng là quá muộn. Hành vi copy nguyên tin, bài trên giao diện baomoi.com được xem là vi phạm bản quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ,” luật sư Hưng phân tích. Theo vị luật sư này, việc baomoi.com vốn không có phóng viên, biên tập viên nhưng vẫn có tin, bài đăng hàng ngày trong khi các tòa soạn phải trả lương cho đội ngũ tương tự là hết sức vô lý. “Báo điện tử hiện nay đối diện với nguy cơ sao chép rất cao. Do đó, việc bị vi phạm bản quyền cũng rất dễ dàng. Các báo phải có biện pháp tự bảo vệ mình,” ông Hưng khẳng định. Cụ thể, luật sư Hưng khuyến cáo, các báo điện tử phải có động thái cảnh báo ngay đối với các trang tin tổng hợp thực hiện hành vi sao chép. Trong trường hợp vi phạm liên tục, các báo có thể khởi kiện ra tòa, yêu cầu chấm dứt cũng như bồi thường về vật chất. Tuy nhiên, cũng theo luật sư Hưng, việc xác định mức thiệt hại về vật chất trong các trường hợp này cũng rất khó. Mặc dù vậy, các tòa soạn vẫn có thể tập hợp các bằng chứng về các tổn hại cụ thể của mình. Về động thái baomoi.com đã có văn bản xin lỗi Tổng biên tập báo điện tử Petrotimes Nguyễn Như Phong, luật sư Hưng nhận định: Đây mới chỉ là việc chấm dứt hành vi vi phạm bản quyền. Còn vế thứ hai liên quan đến tổn hại về vật chất vẫn chưa được thực hiện. “Để có một môi trường báo chí cũng như môi trường kinh doanh lành mạnh, theo tôi giữa các bên phải có hợp đồng hợp tác rõ ràng trong đó quy định rõ quyền lợi cũng như nghĩa vụ cụ thể của từng phía,” trưởng văn phòng BQH và cộng sự chia sẻ. Thậm chí, ngay cả khi đã đạt được thỏa thuận với các tờ báo điện tử chủ quản thì việc đăng lại tin hay không vẫn phải phụ thuộc vào bản thân phóng viên cũng như hợp đồng của phóng viên với tòa soạn đó. “Cụ thể, nếu phóng viên của tòa soạn không đồng ý việc đăng tải lại tin của mình trên các trang tổng hợp thì việc ‘quét’ lại những tin đó vẫn là bất hợp pháp,” luật sư Hưng nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Phan Bá Mạnh, Thư ký tòa soan báo điện tử VietQ cho biết: "Sau khi đăng tải một loạt bài viết về vụ việc, baomoi.com đã bất ngờ dừng quét tin, bài của báo điện tử Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn)." Trong khi đó, một loạt tờ báo điện tử như Vnexpress, Dân trí… cũng đang dự định vào cuộc để làm rõ vấn đề bản quyền với những tác phẩm của mình.
Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục