Tứ "đại gia" có còn?

V-League 2010: Tứ "đại gia" sẽ sống hay chết?

Khái niệm "tứ đại gia" đã bị khai tử ở V-League 2009 do Hoàng Anh Gia Lai và Đồng Tâm Long An, liệu họ có trở lại trong mùa giải tới?
Khái niệm tứ đại gia đã bị khai tử ở V-League 2009. Hoàng Anh Gia Lai chỉ đứng thứ 8 và Đồng Tâm Long An rơi xuống thứ 10 trên bảng xếp hạng. Liệu khái niệm tứ đại gia sẽ trở lại ở mùa này, hay chúng ta phải nhắc tới một khái niệm khác?

Tứ đại gia

7 năm qua, Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An và Becamex Bình Dương đã lần lượt chia nhau mỗi đội 2 chức vô địch liên tiếp, và SHB Đà Nẵng sau thời gian gần như liên tục có mặt trong tốp 3, cuối cùng cũng có chức vô địch đầu tiên ở V-League. 4 đội bóng này đã hình thành nên cái gọi là tốp 4.

Trên thực tế, với bóng đá Việt Nam, tốp 4 không phải là tiêu chuẩn để đưa các đội bóng đến với những giải đấu châu lục ở mùa tiếp theo. Cũng chỉ có tốp 3 mới có huy chương, cờ, cúp và tiền thưởng. Như mùa giải năm 2010 này, đội vô địch, hạng nhì và hạng ba sẽ lần lượt được thưởng 1 tỉ, 500 triệu và 250 triệu đồng. Đội đứng thứ tư hoàn tay trắng!

Nhưng hàm ý tốp 4 ở V-League lại được hiểu ở một khía cạnh khác, và rộng hơn là khả năng cạnh tranh chức vô địch. Xin khẳng định là khả năng chứ không chỉ đơn thuần khát vọng, dù vẫn biết nó là một thành tố quyết định (V-League sau 9 mùa tổ chức chỉ có nhà vô địch Cảng Sài Gòn năm 2003 là không có khát vọng mà vẫn đăng quang).

Hoàng Anh Gia Lai mùa giải năm 2009 có thừa khát vọng nhưng lại thiếu sự cân bằng và chiều sâu. Đồng Tâm Long An năm 2009 cũng không thiếu động lực, nhưng lực lượng lại chỉ đủ để trụ hạng. Và trên thực tế, V-League 2010 có rất nhiều đội bóng và ông bầu khát khao đứng ở ngôi vị số 1.

Tốp mấy ?

SHB Đà Nẵng và Becamex Bình Dương không làm người ta phải nghi ngờ về sức mạnh của họ, dù cho Becamex Bình Dương không đưa về những bản hợp đồng cầu thủ nội tầm cỡ và mới chính thức chia tay với trung vệ Vũ Như Thành; còn SHB Đà Nẵng hầu như chỉ dựa vào bộ khung của mùa trước và 2 tiền đạo mới được bổ sung chưa chắc cộng lại đã bằng một mình Almeida, chân sút bị chấn thương dài hạn và không có trong danh sách đăng ký lượt đi.

Sức mạnh của SHB Đà Nẵng và Becamex Bình Dương là ở tính tập thể, nền tảng của một dàn cầu thủ đã chơi với nhau nhiều năm và phân nửa đội hình của họ là hàng tuyển thủ (hoặc cựu). Riêng hàng thủ của họ có 5 vị trí là Phước Vĩnh, Hải Lâm, Văn Học, Quang Cường, Hoàng Quãng; và hàng tiền vệ thì có 3 là Thanh Hưng, Thanh Phúc và Quốc Anh.

Becamex Bình Dương bắt đầu bước vào chu kỳ lão hóa ở một số vị trí, nhưng lại chứng kiến Vũ Phong, Quang Thanh, Anh Đức bước vào độ chín và ít nhiều chờ đợi 2 sự xuất hiện, của Thanh Tùng (trung vệ Nam Định) và Minh Chuyên (tiền vệ Thành phố Hồ Chí Minh). Becamex Bình Dương cũng có thể ghép Molina (từ SHB Đà Nẵng) với Kesley và Philani để tạo thành bộ ba tấn công siêu hạng.

Có thể SHB Đà Nẵng khó bảo vệ được chức vô địch khi phải căng mình trên cả mặt trận châu lục, nhưng họ chắc chắn vẫn là một ứng viên trong cả chặng đường dài sắp tới. Becamex Bình Dương giờ có kinh nghiệm để phân chia sức lực, và nếu họ bắt nhịp với giải tốt thì, tất cả đều phải dè chừng.

Hoàng Anh Gia Lai và Đồng Tâm Long An cho tới lúc này không mạnh hơn, nếu không muốn khẳng định nó đã suy yếu so với mùa trước. Hoàng Anh Gia Lai mất Thanh Bình và Thonglao, chỉ có thêm thủ môn Shyhavy là đáng kể. Đồng Tâm Long An chia tay Việt Thắng và Quang Trãi. Con đường duy nhất để tự nâng cấp sức mạnh là nhập quốc tịch cầu thủ ngoại thì giờ đây đã bị tạm thời bịt lại và cả Hoàng Anh Gia Lai lẫn Đồng Tâm Long An phải chờ đợi cho tới ít nhất sau lượt đi mới thông.

Các sự thay thế

V-League 2010 trong giai đoạn chuẩn bị chứng kiến một Ximăng Hải Phòng đầu tư lực lượng mạnh mẽ. Bộ khung của họ được thừa nhận là mạnh nhất ở mùa giải này trong số 14 đội bóng, và có đủ chiều sâu để đương đầu với các vấn đề chấn thương và phong độ. Nếu Ximăng Hải Phòng tiếp tục dùng tiền thưởng làm đòn bẩy, và huấn luyện viên Vương Tiến Dũng thực dụng hơn, họ có thể làm được điều kỳ diệu lúc cuối mùa.

T&T Hà Nội cũng là đội bóng đầu tư khá mạnh, đưa về trung vệ Kizito, và tăng cường thêm tiền đạo ngoại, chèo kéo được Văn Biển (Nam Định), Ngọc Duy, Quốc Long (Thể Công), Duy Nam (Khánh Hòa). Những sự bổ sung này giúp T&T Hà Nội có được sự cần bằng giữa các tuyến, đội hình có thêm chiều sâu, khi đã có sẵn Hồng Sơn, Công Vinh, Sỹ Cường, Hồng Minh, Trọng Bình, Đại Đồng, Cristiano, Francois và Benecio. Nhưng vấn đề của T&T Hà Nội lại là ở vị trí thuyền trưởng và việc họ là đội quân tứ xứ có thể tiềm ẩn những tai họa.

Sông Lam Nghệ An đã có Hữu Thắng và cả ông Hồng Thanh trở về tổ chức và dẫn dắt đội bóng. Họ cũng có tiền để thoát khỏi cái cảnh nhà nghèo. Với chừng ấy thứ, Sông Lam Nghệ An vốn dĩ là một đội bóng thích đá thì sẽ đá rất khó chịu, sẽ là một ứng viên đáng nể khác. Thế nhưng, lực của Sông Lam Nghệ An lại có những ẩn số ở đội ngũ cầu thủ ngoại. Dù cho xứ Nghệ bao năm qua vẫn luôn lấy nội bù ngoại, nhưng thực tế nói rằng, 7 năm qua, chưa có đội vô địch nào mà các cầu thủ nội làm diễn viên chính cả.

V-League mấy năm gần đây luôn có hiện tượng. Có thể sẽ lại có, nhưng hiện tượng thì không đủ để cạnh tranh một cách thực sự và dĩ nhiên không thể chen chân vào nhóm đại gia. Nhưng ở một giải đấu có 14 câu lạc bộ, đã có tới 5 đội bóng chắc chắn đủ khả năng cạnh tranh và 2 đội bóng nằm trong diện có thể, chừng đó cũng đã đủ để chờ đợi V-League 2010 sẽ khốc liệt./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục