Chàng trai mù muốn thay đổi số phận bằng tin học

Bị mù từ khi lọt lòng, nhưng giờ chàng trai này có thể sử dụng internet thành thạo và “điều chỉnh” được một số phần mềm máy tính.
Bị mù từ khi mới lọt lòng, nhưng với khát vọng được trở thành người có ích, Đỗ Đức Thuận (Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng) đã vượt khó và đi học như bao bạn bè cùng trang lứa.

Điều đáng nể là chàng trai này có thể sử dụng internet thành thạo và “điều chỉnh” được một số phần mềm cho phù hợp với khả năng sử dụng của người khiếm thị.

Học chung với người sáng mắt

Đỗ Đức Thuận sinh năm 1982. Năm 10 tuổi Thuận được nhận vào học tại trường nuôi dạy trẻ khiếm thị của Hải Phòng. Sau 5 năm học tập, Thuận hoàn thành chương trình học tiểu học, trở về địa phương và tiếp tục học trung học cơ sở và trung học phổ thông với các bạn sáng mắt.

Năm 2005, Thuận được tuyển vào học tại Khoa Ngữ văn, Đại học Hải Phòng, hiện đang là sinh viên năm cuối.

Để có thể theo học được như các bạn khác, ngoài sử dụng sách, tài liệu bằng chữ nổi Braill, chàng trai này sử dụng máy ghi âm như một công cụ hỗ trợ đắc lực.

Thuận cho biết, khi học trung học cơ sở và trung học phổ thông, sách, tài liệu dành cho người khiếm thị tương đối đầy đủ nên em theo học đỡ chật vật. Nhưng khi vào đại học, sách ít, tài liệu ít, phương tiện em sử dụng để học tập chủ yếu là máy ghi âm.

Khi lên lớp, Thuận cố gắng lắng nghe, sau mỗi buổi học tóm tắt lại bằng trí nhớ. Về nhà, Thuận nhờ bạn bè đọc lại toàn bộ nội dung buổi giảng các bạn ghi chép được vào máy ghi âm. Em nghe đi nghe lại để thấm nhuần nội dung bài giảng.

Đam mê với tin học

Bước vào năm thứ ba đại học, internet đã đem hy vọng mới đến với Thuận. Những điều trước đây em tưởng là không thể thì giờ đã ở trong tầm tay như vào internet, đọc tài liệu, sử dụng tài liệu trên mạng, sử dụng máy tính thành thạo.

Bước đầu Thuận đến với máy tính khá chật vật. Ở ký túc xá cùng bạn bè, nghe tiếng lách cách của bàn phím khiến Thuận muốn sử dụng được nó, nhưng lại phải nhờ bạn bè hỗ trợ.

Đầu tiên Thuận học cách sử dụng bàn phím, khi ngón tay đã thuộc chỗ của chữ, số, dấu, phím tắt, Thuận bắt đầu tìm cách truy cập vào internet.

Nhiều người thắc mắc không nhìn thấy vậy làm sao mà em đọc được? Thuận cho biết em làm mãi thành quen. Lang thang trên mạng, em biết được có phần mềm hỗ trợ người mù sử dụng internet bằng tiếng Anh, cứ nghe đi nghe lại, mò mẫm từng bước, thế là làm được.

Bây giờ Thuận có thể phân biệt được giao diện của từng trang web, chỉ thiệt thòi là không nhìn thấy hình ảnh trên đó thôi. Thuận còn biết cả cách cắt nhạc chuông để tải vào điện thoại. Hè vừa rồi về quê, cậu kiếm được cả triệu đồng nhờ dịch vụ tải nhạc chuông qua điện thoại cho các bạn ở quê.

Thuận khoe tiếp, việc khó nhất khi tiếp cận với máy tính, tin học là cài lại windown. Vào internet, tất cả được mã hóa thành tiếng nói, nhưng cài lại máy tính thì chịu. Lúc đó máy tính hoàn toàn câm.

Thuận đã mày mò và tới nay, cậu đã làm ra được một cái đĩa, chỉ cần cho vào ổ là chạy vèo vèo, không cần chọn lệnh. Để làm được điều này, Thuận đã có những ngày mất ăn mất ngủ. Một năm sau Thuận đã làm được điều đó.

Mỗi ngày Thuận vào internet ít nhất 6 tiếng đồng hồ. Đã có lần, Thuận định thôi không dùng internet nữa vì chi phí cho việc học hành của em eo hẹp.

Mỗi tháng bố mẹ thắt lưng buộc bụng cũng chỉ có dưới 700.000 đồng để cho con ăn học. Thuê bao internet trọn gói đã mất 330.000 đồng, số tiền ít ỏi còn lại là để chi phí cho bao nhiêu khoản. Năm nay sẽ còn tốn kém hơn vì Thuận tốt nghiệp đại học, bao nhiêu thứ phải chi.

Nhưng chia tay với internet là chia tay với tất cả nên em lại cố nhịn ăn, nhịn tiêu, chăm chỉ dạy thêm về công nghệ thông tin cho các bạn khác để có thêm thu nhập và duy trì niềm đam mê của mình.

Mơ ước lớn nhất của Đỗ Đức Thuận trong thời gian tới là được học bài bản về tin học, đỗ đại học để theo học ngành này thì càng hạnh phúc. Thuận bảo, học văn là để cho mình biết sống, biết yêu, biết nhân ái, còn học tin là để thay đổi số phận. Tin học mở ra một thế giới mà người mù trước đây không hề biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục