Phố Wall tiếp tục trồi sụt bất chấp báo cáo tích cực

Chứng khoán Mỹ tiếp tục trồi sụt bất chấp việc Chính phủ nước này vừa công bố báo cáo tốt hơn dự kiến về doanh số bán lẻ trong tháng 12.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục trồi sụt trong phiên giao dịch ngày 15/1, bất chấp việc Chính phủ nước này vừa công bố báo cáo tốt hơn dự kiến về doanh số bán lẻ trong nước trong tháng 12/2012.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones vẫn duy trì đà đi lên từ phiên trước khi tăng 27,57 điểm, tương đương 0,20%, lên 13.534,89 điểm.

Chỉ số S&P 500 cũng đảo chiều tiến thêm 1,66% (0,11%), lên 1.472,34 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq tiếp tục lùi 6,72 điểm (0,22%), xuống còn 3.110,78 điểm.

Đầu phiên, diễn biến tại Phố Wall diễn ra khá sôi động do giới đầu tư tỏ ra phấn chấn sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo tích cực cho hay doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 12 năm ngoái đã tăng 0,5% so với tháng trước đó, chứng tỏ sức chi tiêu của người dân vẫn mạnh cho dù vào thời điểm đó, Mỹ đang phải vật lộn với "vách đá tài chính."

Tuy nhiên, sức tăng của các chỉ số đã bị hạn chế đáng kể, do báo cáo lợi nhuận của một số doanh nghiệp Mỹ đã gây thất vọng cho thị trường.

Đáng chú ý là giá cổ phiếu của tập đoàn công nghệ máy tính Apple tiếp tục giảm thêm 3,2% xuống còn 485,92 USD/cổ phiếu, sau khi xuất hiện thông tin cho thấy nhu cầu tiêu thụ iPhone5 - thế hệ điện thoại thông minh iPhone mới nhất của tập đoàn này - thấp hơn dự kiến.

Đây là lần đầu tiên giá cổ phiếu của Apple tụt xuống dưới 500 USD/cổ phiếu kể từ tháng 2/2012. Các mã cổ phiếu của một số tập đoàn công nghệ danh tiếng khác như Research in Motion và Hewlett-Packard cũng mất giá trong phiên giao dịch 15/1.

Cũng trong ngày giao dịch này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, không khí ảm đạm tiếp tục bao trùm các thị trường chứng khoán châu Âu, chủ yếu là do sự "lao dốc" của một loạt các cổ phiếu thuộc nhóm công nghệ, bao gồm cả công ty phần mềm SAP.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng sự đi xuống của thị trường cổ phiếu trong vài phiên gần đây chỉ mang tính ngắn hạn, triển vọng kinh tế toàn cầu sáng sủa hơn trong năm 2013 có thể sẽ là động lực giúp "sắc xanh" sớm trở lại trên các sàn giao dịch chứng khoán.

Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX mất 0,69%, xuống 7.675,91 điểm- mức thấp nhất kể từ đầu năm 2013.

Chỉ số CAC của Pháp cũng giảm 0,29%, xuống 3.697,35 điểm. Tuy nhiên, tại London, chỉ số FTSE 100 lại tăng nhẹ 0,15% lên 6.117,31 điểm.

Sang tới phiên giao dịch ngày 16/1, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều hạ điểm. Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đảo chiều giảm 72,67 điểm (0,67%), xuống còn 10.806,41 điểm, do đồng yen đã lên giá so với cả đồng USD và đồng euro, sau cảnh báo của Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari về những tác động tiêu cực của việc đồng yen mất giá đối với người tiêu dùng trong nước.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đều mở cửa với "sắc đỏ." Chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt mất 2,66 điểm (0,11%) và 117,20 điểm (0,5%), xuống còn 2.323,02 điểm và 23.264,31 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục