Dân số tăng cơ học kéo theo nạn phá rừng

Áp lực về dân số tăng cơ học như di cư tự do ở các vùng có rừng của Việt Nam là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nạn phá rừng. 
Theo nhận định của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), áp lực về dân số tăng cơ học như di cư tự do ở các vùng có rừng của Việt Nam là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nạn phá rừng, bình quân mỗi năm gây thiệt hại 5.000ha.

Riêng các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước, Bình Thuận từ năm 2005 đến nay đã có trên 23.000 hộ dân di cư tự do từ các địa phương khác đổ về, đã và đang làm gia tăng nạn đốt phá rừng bừa bãi trong khu vực.

Vì lợi ích trước mắt, người dân sinh sống ở khu vực có rừng đã phá rừng lấy đất canh tác, trồng cây công nghiệp có thu nhập cao hơn. Đặc biệt, nạn sang nhượng đất với giá cả từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi hecta diễn ra khá phổ biến.

Một số địa phương ở Tây Nguyên, Bình Phước đã cho phép xây dựng, triển khai dự án cải tạo rừng một cách ồ ạt từ năm 2007 đến nay nhưng không thực hiện đúng quy hoạch, không làm tốt công tác tuyên truyền, khiến người dân có tâm lý sợ hết đất và bao chiếm đất, phá rừng trái pháp luật.

Hiện các lâm trường quốc doanh, ban quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng trong cả nước quản lý trên 6,5 triệu ha rừng, nhưng năng lực quản lý, bảo vệ còn hạn chế.

Các lâm trường quốc doanh sau khi sắp xếp lại, chuyển thành các công ty vẫn không đủ sức bảo vệ rừng được giao, không có cơ chế tạo nguồn thu ổn định cho các chủ rừng nên rừng vẫn bị tàn phá.

Mặt khác, các chủ rừng là chủ hộ, cá nhân và các tổ chức xã hội khác đang quản lý trên 4 triệu ha rừng hầu hết quy mô nhỏ, nên họ cũng không thể tổ chức lực lượng bảo vệ hiệu quả số diện tích rừng được giao, khi rừng bị phá vẫn chưa quy được trách nhiệm cụ thể thuộc về ai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục