Hoài niệm xứ Phù Tang

Đến với Kyoto để hoài niệm về xứ Phù Tang xưa

Nếu bạn có một mong ước thầm kín, hãy mua một mảnh gỗ viết lên điều ước nguyện, rồi treo lên một giá ở ngôi đền thần Lửa tại Kyoto.
Người bạn Nhật tỏ ý tiếc cho chúng tôi vì chừng một tháng nữa, Kyoto sẽ có một diện mạo thật rực rỡ trong mùa lá đỏ (mimoji).

Khi ấy, cố đô này như một quý bà nền nã, thanh lịch môi thắm, má ửng hồng vì một niềm vui mới mẻ. Tuy thế, dẫu bạn đến mùa nào thì Kyoto vẫn để lại ấn tượng khó phai.

Ông Katsumi Takahasi, Giám đốc Tập đoàn Panasonic châu Á Thái Bình Dương, một người sinh ra và lớn lên tại Kyoto, có thể thực hành chuẩn mực các nghi thức trà đạo và biểu diễn kabuki, đã lựa chọn những điểm đến cho chúng tôi. Đó là lâu đài Ninjo, Kim Các Tự Golden Pavilion (hay còn gọi là Rokunji Temple) và phố trà thất, bối cảnh của cuốn tiểu thuyết “Hồi ức của một Geisha” nổi tiếng trên toàn thế giới.

Lâu đài Ninjo được shogun (Đại tướng quân) đầu tiên - Tokugawa - xây dựng từ năm 1603, mãi tới năm 1626 mới hoàn thiện và sau đó được các shogun tiếp tục sử dụng.

Lâu  đài này được coi là một trong những minh chứng hoàn hảo nhất cho thời kỳ Edo cũng giống như thời kỳ vua Lê chúa Trịnh ở Việt Nam, khi mà các shogun mới đích thực là người nắm quyền điều hành đất nước, tuy về danh nghĩa họ vẫn là thuộc hạ của Nhật hoàng.

Năm 1994, Lâu đài Ninjo được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Điểm đặc biệt nhất của tòa lâu đài gỗ rộng lớn này có lẽ là hệ thống sàn nhà (được gọi là sàn họa mi - nightingale floor) được thiết kế để tiếng bước chân của khách luôn mách bảo shogun và các vệ sĩ của ông họ đang ở đâu, di chuyển theo hướng nào.

Và dĩ nhiên, không thể không nhắc đến khu vườn khổng lồ đẹp đẽ bao bọc lâu đài. Dẫu hoàn toàn thiếu vắng các sắc hoa rực rỡ - các shogun không thích sự mong manh và đời sống ngắn ngủi của các loài hoa - nhưng với những hồ nước, đá cảnh được sắp đặt công phu, thảm cỏ xanh non được xén tỉa kỹ càng, khu vườn vẫn đẹp một cách mạnh mẽ và không kém phần lãng mạn.

Golden Pavilion thì “bắt mắt” du khách ngay lập tức bởi màu vàng chói lọi do mặt ngoài của kiến trúc chính được dát hoàn toàn bằng vàng lá. Soi bóng hồ xanh, dù vào thời khắc mặt trời mọc hay ánh chiều tà, ngôi đền luôn làm ta ngỡ ngàng.

Bạn cũng sẽ tìm thấy nơi đây một trà thất đơn sơ đến mức khó tưởng tượng đó là nơi các bậc đế vương hay ngồi. Không có một đồ trang trí cầu kỳ nào ngoài một nhành hoa nhỏ cắm trong ống tre.

Ra thế, khi thưởng trà là lúc mỗi cá nhân - tiểu vũ trụ - hòa mình vào vũ trụ bao la, dẫu là đế vương, hiền nhân quân tử hay chỉ là người áo vải cũng bình đẳng như nhau, càng ít bị vướng bận, cản trở bởi vật chất tầm thường càng tốt.

Bạn có một mong ước thầm kín trong lòng chứ? Đừng quên ghé đến ngôi đền thờ thần Lửa nằm trong khu vực này. Bạn có thể mua một mảnh gỗ xinh xắn, viết điều ước nguyện ấy lên rồi treo lên một giá để sẵn bên cạnh ngôi đền.

Vào lễ tiễn mùa đông, người coi đền sẽ đốt tất cả những mảnh gỗ ấy như gửi đến Thần Lửa lời nguyện cầu của bạn. Bạn cũng có thể đơn giản viết điều ước lên một mảnh giấy và cột lại trên giá. Điều ước cũng vẫn được gửi đi.

Bữa tối tại một nhà hàng trong khu phố geisha xưa là sự thết đãi thật trịnh trọng dành cho thượng khách. Tuy geisha giờ không còn là một nghề phổ biến với những “trường đào tạo” công phu như trước nữa, nhưng các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống không thể thiếu các ca nữ, vũ nữ ăn mặc, trang điểm thật đặc biệt, đúng như các geisha.

Chụp ảnh với họ là một niềm vui thích ít du khách bỏ qua. Ở ngay sảnh vào của trà thất, một nữ nhạc công nghiêm ngắn ngồi, thi thoảng lại nâng sáo lên môi thổi một khúc nhạc buồn réo rắt.

Tiếng sáo làm nhói lên trong lòng những du khách tha hương hoài niệm về một xứ Phù Tang sâu thẳm, trái ngược với hình ảnh nhà cao tầng chót vót, ôtô và khách bộ hành đang hối hả trên đường, cứ như thể luôn sợ lỡ mất một việc gì đó quan trọng lắm./.

 Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục