Cần chuyển sang xuất sản phẩm công nghệ cao

Theo các nhà kinh tế, Việt Nam cần chuyển sang xuất hàng công nghệ cao, thay vì hàng thứ cấp hoặc chỉ phục vụ nước đang phát triển.
Tại cuộc tọa đàm về "Vai trò của nhà nước và chính sách công nghiệp với sự phát triển của khu vực Đông Á" ngày 15/12 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có rất ít sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ trung và cao.

Các giáo sư kinh tế nhận định đã đến lúc Việt Nam phải chuyển sang xuất khẩu những hàng hóa cả thế giới đang cần, chứ không phải những sản phẩm mà riêng các nước đang phát triển cần hoặc hàng thứ cấp.

Giáo sư Ha-Joon Chang, Trường Đại học Cambridge, Anh, chuyên gia hàng đầu về chính sách công nghiệp, thương mại và vai trò của nhà nước đã phân tích, so sánh chính sách công nghiệp và vai trò của nhà nước giữa các nước, trong đó có Việt Nam.

Theo giáo sư, Việt Nam không thể trở thành một nước mạnh nếu cứ xuất khẩu dựa vào những ngành sử dụng nhiều lao động, phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, không chủ động được công nghệ trong sản xuất.

Giáo sư Ha-Joon Chang nêu rõ kinh nghiệm các nước Đông Á phát triển nhanh cho thấy nên áp dụng chính sách công nghiệp vào một số lĩnh vực.

Nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều thực hiện chính sách công nghiệp, trong đó Mỹ thực hiện dưới tên là hỗ trợ cho các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển ở những ngành có lợi thế cạnh tranh cao, như công nghiệp quốc phòng, công nghệ viễn thông, sinh học.

Nghiên cứu về tính cạnh tranh ở Việt Nam, Giáo sư Fred Nixons của Trường Đại học Manchester (Anh) cũng nhận định rằng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng cao có thể sẽ tạo ra tác động như về chi trả. Các sản phẩm tươi sống, da giầy... xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào lao động, tài nguyên và cán cân thương mại đôi khi âm vì phải nhập khẩu công nghệ.

Theo giáo sư này, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã công bố Việt Nam bị tụt hạng về tính cạnh tranh do 3 mặt yếu là cơ sở hạ tầng, tiếp cận về tài chính, lực lượng lao động thiếu đào tạo nhưng tính tham nhũng, tệ quan liêu chưa được đề cập đến.

Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, với bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009, Việt Nam phải tích cực cải cách vai trò của nhà nước và chính sách công nghiệp hơn nữa để cải thiện, phát triển đất nước.

Hiện Việt Nam đang chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới 2010-2020, với mục tiêu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp đang phát triển có thu nhập trung bình ở trình độ trung bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục