Bình Định sẽ là trung tâm dệt may lớn của khu vực

Bình Định đã thu hút 18 dự án may mặc với công suất 36 triệu sản phẩm/năm, vốn đầu tư trên 807 tỷ đồng, thu hút 12.700 lao động.
Trong những năm qua, ngành may mặc tỉnh Bình Định đã có bước phát triển khá ngoạn mục và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động trên địa bàn.

Từ Công ty cổ phần May Bình Định với 600 lao động, đến nay trên địa bàn có 18 dự án may mặc với tổng công suất 36 triệu sản phẩm/năm, tổng nguồn vốn đầu tư trên 807 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 12.700 lao động (chiếm hơn nửa tổng số lao động có việc làm mới theo kế hoạch hàng năm của tỉnh).

Hiện nay, đã có 13 nhà máy may đi vào hoạt động với tổng công suất 23,6 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 560 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 8.000 lao động; 4 dự án đang đầu tư xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động trong quý 1 năm nay với tổng công suất 11 triệu sản phẩm/năm và vốn đầu tư 225 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 4.100 lao động.

Ngoài ra, còn có Chi nhánh Vinatex Đà Nẵng được xây dựng tại thị trấn huyện Phù Mỹ với công suất 1,1 triệu sản phẩm/năm, vốn đầu tư 21 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 600 lao động.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết ngành may mặc của tỉnh phát triển nhanh chóng là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, trên cơ sở tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách, đất đai và hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực, cùng với sự giúp đỡ và hợp tác đầu tư của Tổng công ty may Nhà Bè Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đối tác khác.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành may mặc trong giai đoạn 2006-2010 đạt 31%/năm. Năm 2011, giá trị sản xuất đạt trên 518 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 23,8 tỷ đồng; nộp ngân sách 29 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 9.000 lao động với thu nhập bình quân 3,2 triệu đồng/người/tháng.

Năm nay, ngành phấn đấu đạt 25 triệu sản phẩm, giá trị sản xuất tăng thêm từ 100-120 tỷ đồng. Chỉ riêng tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của tỉnh đã tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh những thuận lợi, hiện ngành may mặc của tỉnh Bình Định còn gặp nhiều khó khăn, trong đó hạn chế lớn nhất vẫn là “may gia công” do không chủ động được nguyên phụ liệu. Các doanh nghiệp tham gia vào các khâu ý tưởng và thiết kế sản phẩm chưa nhiều. Năng lực tài chính, thiết kế mẫu và việc xây dựng thương hiệu còn hạn chế, nên khó tiếp nhận được các đơn hàng có giá trị gia tăng cao.

Nguồn lao động nông thôn dồi dào nhưng hầu hết chưa được đào tạo, bên cạnh đó chi phí đầu vào, lãi suất vay vốn tăng cao, rào cản thương mại ở các thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe, cũng là những thách thức không nhỏ.

Để ngành may mặc phát triển ổn định và bền vững, tỉnh Bình Định và các doanh nghiệp phải cùng nhau tháo gỡ khó khăn bằng một số giải pháp cơ bản như tăng cường tư vấn pháp luật thương mại quốc tế, giúp các doang nghiệp xuất khẩu vượt qua rào cản của các nước nhập khẩu; tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng ở trong và ngoài nước, cũng như nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp đổi mới phương thức tiếp thị xuất khẩu, quan tâm xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế và có kế hoạch chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng; khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất tại chỗ, thực hiện đầy đủ chế độ đãi ngộ với công nhân, nâng cao dần đời sống cho người lao động; triển khai nhanh cổ phần hóa nhằm thu hút vốn đầu tư, thực hiện có hiệu quả việc đầu tư công nghệ mới, hiện đại và đảm bảo môi trường sản xuất.

Với những nỗ lực chung, trong tương lai không xa, ngành may mặc của tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, trở thành một trong những trung tâm may mặc lớn của khu vực miền Trung và cả nước./.

Viết Ý (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục