Thái Bình: Tìm nguyên nhân ngao chết hàng loạt

Xã Nam Thịnh, Thái Bình, có khoảng 800ha nuôi ngao; trong đó có khoảng 400ha có ngao chết lẻ tẻ, 100ha có lượng ngao chết từ 5-10%.
Những ngày gần đây, hàng trăm hecta ngao thương phẩm đến kỳ thu hoạch của bà con nuôi ngao ở xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, bỗng dưng chết hàng loạt.

Xã Nam Thịnh có khoảng 800ha nuôi ngao; trong đó có khoảng 400ha có ngao chết lẻ tẻ, 100ha có lượng ngao chết từ 5-10% và khoảng 50ha có số ngao chết từ 15-20%.

Theo bà Trần Thị Thủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nam Thịnh, ước tính sơ bộ đến thời điểm này, người dân nuôi ngao ở xã Nam Thịnh, thiệt hại gần 100 tỷ đồng. Nhiều hộ nuôi ngao ở Nam Thịnh đang lâm vào cảnh khó khăn. Xã đã báo cáo lên huyện về tình trạng ngao chết. Tới đây, xã sẽ đề nghị Nhà nước và ngân hàng giãn nợ, tiếp tục cho người dân vay vốn để tạo điều kiện cho bà con sản xuất.

Ông Hoàng Mạnh Thép ở thôn Thiện Châu, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải - người có gần 20 năm kinh nghiệm nuôi ngao cũng không hiểu vì sao ngao bỗng dưng chết hàng loạt. Năm nay gia đình ông Thép nuôi hơn 3ha ngao, với số vốn đầu tư lên tới hơn 1 tỷ đồng. Theo tính toán, nếu không xảy ra việc ngao chết, vụ này ông cũng thu về khoảng trên 2 tỷ đồng. Nhưng bây giờ gia đình ông gần như đã mất trắng.

Nhìn những đống vỏ ngao trắng xóa, ông Thép buồn rầu nói: mọi năm ngao cũng chết, nhưng thường bị chết vào khoảng tháng Ba Âm lịch, khi có mưa rào. Nhưng năm nay bỗng nhiên ngao chết hàng loạt như vậy khiến chúng tôi không kịp trở tay.

Không những thiệt hại về nguồn thu, những hộ nuôi ngao đang phải thuê mướn người với giá cao để thu gom vỏ ngao chết. Ông Thép cho biết mỗi ngày những hộ có ngao bị chết như gia đình ông phải thuê 150.000 đến 200.000 đồng một công cho người thu nhặt vỏ ngao chết.

Trước thực trạng ngao chết hàng loạt, cơ quan chức năng đã kiểm tra bãi nuôi ngao và lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Qua kiểm tra bãi nuôi ngao của các hộ cho thấy mật độ nuôi ngao của nhiều hộ rất dày 300-500 con/m2 (khuyến cáo chỉ từ 200-250 con/m2).

Ngoài ra nguồn nước chảy ra khu vực đầm nuôi bị ô nhiễm, nước có màu đục và có mùi hôi, thối. Bãi nuôi ở đây dù nhiều năm nay nhưng chưa hề được cải tạo, vệ sinh. Ngành chức năng đã yêu cầu các hộ nuôi có ngao chết phải nhanh chóng dọn hết số ngao trên bãi và thực hiện vệ sinh bãi nuôi ngao trước khi thả nuôi lại. Các hộ nuôi ngao không được vớt xác ngao chết vứt bừa bãi tránh dịch bệnh lây lan.

Bên cạnh đó cần nhanh chóng thu hoạch số ngao còn sống đã đạt kích thước thương phẩm, di chuyển số ngao còn nhỏ sang nuôi chỗ thuận lợi hơn; triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên ngao và tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân biết, ngăn không cho dịch bệnh lây lan.../.

Lê Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục