CPI cuối năm tăng thấp, lo sản xuất sẽ tiếp tục đình trệ

Việc CPI giảm tốc mạnh càng khiến giới chuyên gia lo ngại về những khó khăn ẩn chứa trong các chỉ tiêu này.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong tháng Mười một chỉ tăng 0,34%, trong khi CPI trong 11 tháng tăng 5,5% và ước cả năm tăng khoảng 6,2-6,3%,mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Các chuyên gia kinh tế đã cho rằng, bên cạnh sự thành công về kiểm soát lạm phát, thì dấu hiệu trên cho thấy nền kinh tế sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong thời gian tới.

Phó giáo sư, tiến sỹ kinh tế Ngô Chí Long nhấn mạnh, lạm phát được kiềm chế không phải nhờ tăng năng suất chất lượng mà do sức mua của thị trường yếu. Hơn thế nữa, trên thực tế hàng tồn kho vẫn còn lớn, điều này sẽ khiến sản xuất tiếp tục đình trệ.

Đơn cử như ngành thép, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng khiến sức tiêu thụ thép giảm mạnh, cung vượt cầu. Doanh nghiệp cần vốn đề tồn tại, nhưng ngân hàng cũng không dám "bơm" tiền vì doanh nghiệp giải quyết được khó khăn thì không sao, mà tiếp tục kinh doanh trì trệ thì nợ xấu lại gia tăng.

Thêm vào đó, chuyên gia kinh tế Bùi Trường Sơn cũng chỉ ra, thông thường ba tháng cuối năm, sức mua của thị trường bao giờ cũng có biến động, bên cạnh đó là các hoạt động đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch năm sẽ khiến CPI tăng mạnh.

“Song, sự kích thích tiêu dùng ở yếu tố mùa vụ đang trở nên yếu hơn, qua đó cho thấy sự suy giảm của nền kinh tế lại được bộc lộ ngay vào chính các chỉ tiêu mà chúng ta đang đạt được,” ông Sơn nói.

Đại diện Tổng cục Thống kê cũng thừa nhận, mặc dù có một số số yếu tố khách quan góp phần kìm hãm giá cả tăng như nguồn cung hàng hóa cơ bản được đảm bảo, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm các đợt 11/11 và 7/10, song yếu tố cơ bản vẫn là người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu khi thu nhập eo hẹp và mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp.

Không chỉ có vậy, nhiều chuyên gia bắt đầu quan ngại về sự quay trở lại của CPI trong thời gian tới.

Ông Long phân tích, sức mua thấp kéo dài, sản xuất cầm chừng, hiện tượng này sẽ khiến cho nguồn cung trở nên thiếu, nguy cơ lạm phát sẽ quay trở lại và còn nguy hiểm hơn cả tình trạng hiện nay.

Không quá lo ngại về khả năng lạm phát do cầu kéo vì lượng hàng tồn kho trong nền kinh tế vẫn còn khá lớn, mà ông Sơn cho rằng, dư địa chính sách hạn hẹp sẽ đòi hỏi phải tăng thu nội địa đồng nghĩa với sức ép tăng giá cả hàng hóa thiết yếu.

“Tôi lại lo ngại nhiều hơn đến yếu tố lạm phát do chi phí đẩy,” ông Sơn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục