Hồi ức một nhân chứng

Chuyện về người tiến vào Dinh Độc Lập năm xưa

Cùng đội quân tiến vào Dinh Độc Lập bắt Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh năm 1975, Đại tá Đam giờ vẫn không thể quên.
Đại tá Phùng Bá Đam 36 năm trước là một trong những chứng nhân góp mặt trong đội quân tiến công vào Dinh Độc Lập bắt Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và toàn bộ nhân vật chủ chốt nội các chính quyền Sài Gòn sáng 30/4/1975.

Giờ đây, ông vẫn tiếp tục cống hiến trí tuệ và sức lực cho xã hội bằng việc tham gia giảng dạy tại Trường phổ thông dân lập Đông Đô, Hà Nội. Qua những bài giảng trên lớp, ông muốn thế hệ trẻ hiểu, quý trọng và biết giữ gìn sự nghiệp của của các thế hệ ông cha đi trước.

Hồi ức của một nhân chứng


May mắn được cùng các đồng đội trải qua thời khắc thiêng liêng của lịch sử, khi đó người lính Phùng Bá Đam mới đang là một trung úy trẻ 27 tuổi, làm công tác bảo mật, trợ lý chính trị Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Người lính ấy hẳn đã không thể nghĩ một ngày anh sẽ được có mặt trong đoàn quân tiến vào Dinh Độc Lập. Đó là một nhiệm vụ quan trọng và vinh dự đối với những người lính như anh.

Cho đến giờ, đại tá Đam vẫn chẳng thể nào quên khoảnh khắc trưa 30/4/1975, từ đài phát thanh Sài Gòn vừa được giải phóng, tiếng nói của đội quân chiến thắng truyền tới khắp mọi miền Tổ quốc và tới khắp năm châu, báo tin vui sự nghiệp giải phóng miền Nam đã hoàn thành, cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã toàn thắng.

Ông kể: “Chúng tôi đã yêu cầu tuyên bố đầu hàng ngay trong Dinh Độc Lập, nhưng ngay khi đó kiểm tra lại hệ thống truyền thanh từ trong Dinh thì thấy nó không hoạt động, do nhân viên đã chạy hết. Vì chúng tôi là đơn vị bộ binh, nhiều năm chiến đấu ở chiến trường nên hiểu rõ nếu như chỉ huy chưa tuyên bố đầu hàng thì cấp dưới vẫn còn chống đỡ quyết liệt.

Trước tình hình đó, tôi bàn với anh em nhanh chóng đưa Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng càng sớm càng tốt để đỡ đổ máu cho đồng bào đồng chí. Sau khi phát thanh xong cũng là lúc 11h30 phút. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì sẽ đỡ đổ máu cho đồng bào đồng chí, đỡ thiệt hại cho nhân dân.”

Là chiến sĩ thuộc đơn vị tiến vào Dinh Độc Lập sớm hơn cả, giờ đây mỗi lần nhắc nhở về những đồng đội đã anh dũng hy sinh, Đại tá Phùng Bá Đam mắt lại ngân ngấn lệ. Với những người lính như ông, tháng Tư là tháng của những hoài niệm hào hùng, của bản hùng ca ngân vang khúc lịch sử bi tráng…

“Tôi không thể quên được những đồng đội đã ngã xuống khi cùng nhau tham gia các chiến dịch từ năm 1968, rồi đến 1972, 1974, 1975 và đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của dân tộc. Cho đến lúc này tôi vẫn luôn luôn hướng về Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có ký ức về Sư đoàn 304 của chúng tôi,” Đại tá Đam bồi hồi nhớ lại.

Người lính đứng lớp

Năm nay đã bước sang tuổi 63 nhưng Đại tá Phùng Bá Đam vẫn giữ được tác phong của một người lính với dáng đi nhanh nhẹn và đặc biệt lúc nào cũng thấy ông vui vẻ cười nói. Từ một người lính trong thời chiến nay khi đã về hưu ông lại trở thành một người thầy đứng trên bục giảng.

Cũng bởi một lẽ đơn giản: “Về đời thường mà vẫn còn nhiều sức lực thế này, tôi nghĩ mình phải cố gắng mang hết khả năng để phụng sự Đảng, phục vụ nhân dân, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Vì vậy, tôi đã tham gia giảng dạy ở Trường phổ thông dân lập Đông Đô, Hà Nội” như ông đã từng tâm sự.

Giờ đây niềm vui của người lính từng chứng kiến giây phút “sống trong sợ hãi” của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh là những buổi lên lớp truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm của một người lính đến với học trò. Hạnh phúc hơn nữa khi ông được nhận lại những tình cảm quý mến, cảm phục của không chỉ học trò mà còn của đồng nghiệp.

Dù trong môi trường nào, Đại tá Phùng Bá Đam cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công việc. Bởi, như ông thường nói với mọi người: “Trong chiến tranh gian khổ, ác liệt như vậy mình còn vượt qua được huống chi nay thời bình. Đó chính là sức mạnh bên trong của người lính. Giờ mình còn sức mình còn cống hiến. Đặc biệt, với thế hệ trẻ phải quan tâm giáo dục để các em hiểu và biết trân trọng, giữ gìn sự nghiệp của ông cha, của các thế hệ đi trước.”

Còn Hiệu trưởng trường Phổ thông dân lập Đông Đô Tiến sỹ Võ Thế Quân nói về “người thầy” Phùng Bá Đam một cách đầy tự hào: “Về trường Đông Đô làm việc được 10 năm nay, thầy Phùng Bá Đam đã thể hiện bản lĩnh không chỉ là một chiến sĩ anh hùng trong thời chiến mà còn là một chiến sĩ tâm huyết với sự nghiệp giáo dục trong thời bình.

Thầy Đam khi về công tác ở trường đã thể hiện được tư chất bộ đội Cụ Hồ và luôn toả sáng trong nhân cách cũng như lối sống hàng ngày với cán bộ giáo viên, được các thầy cô giáo và các em học sinh kính trọng, yêu quý.”./.

Lan Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục