Trần Vương Việt và bộ sưu tập “có một không hai”

Nhà sưu tập Trần Vương Việt còn là chủ nhân bộ sưu tập gồm hơn 6.000 chiếc huân chương, huy chương của Việt Nam và nước ngoài.
Không chỉ nổi tiếng trong giới chơi tem, tiền, nhà sưu tập Trần Vương Việt còn là chủ nhân bộ sưu tập “có một không hai,” gồm hơn 6.000 chiếc huân chương, huy chương, huy hiệu khác nhau của Việt Nam và nước ngoài.

Tại ngôi nhà riêng trên phố Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội), anh Việt giới thiệu về bộ sưu tập độc đáo: “Đây là hai chiếc Huy chương Hữu nghị thời Việt Nam dân chủ cộng hòa mới được chuyển về, một chiếc từ Ukraine và một chiếc từ Latvia."

Anh Việt cho biết, sưu tập Huy chương hữu nghị rất khó tìm, vì đây là phần thưởng của Nhà nước chỉ dành tặng cho người nước ngoài, do vậy, anh phải nhờ bạn bè giúp mới có được.

Ở tuổi 37, tuổi đời còn khá trẻ so với những chiếc huân chương, huy chương, huy hiệu trong bộ sưu tập, nhưng kiến thức về sưu tập thì Trần Vương Việt cũng thuộc hàng đáng nể.

Từ khi 12 tuổi, anh đã bắt đầu tìm kiếm những chiếc huân huy chương, huy hiệu… đến nay anh đã có 25 năm lăn lộn tìm kiếm với lòng đam mê.

Để bộ sưu tập mang tính chuyên nghiệp, có giá trị vật chất và tinh thần cao, anh Việt đã đầu tư vào những sách, danh mục chuyên ngành. Hiện, anh đang sở hữu nhiều loại danh mục in màu huân huy chương của Mỹ, Liên Xô và Việt Nam.

Ở Việt Nam, huân chương, huy chương, huy hiệu rất kén người chơi vì đó là thú chơi tao nhã, cần đầu tư lớn về kinh phí và thời gian, mối quan hệ. Hiện nay, giá trị vật chất của loại hàng hóa này cũng đa dạng, nhưng giá trị tinh thần lại rất lớn, không phải cứ có tiền là mua được.

Anh Việt cho rằng: “Sưu tập một chiếc huân, huy chương, huy hiệu cũng khó khăn, mất nhiều thời gian và công sức. Chủ nhân của những món đồ sưu tập đòi hỏi phải có cái duyên nhiều hơn việc dùng tiền bạc để mua.”

Trong bộ sưu tập của Việt, có cả những loại huân, huy chương cao quý được mạ vàng như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huy chương Anh hùng lực lượng vũ trang, Huy chương Anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng, Huy chương Anh hùng lao động…

Anh còn sở hữu cả những loại Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Huy hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới, Huy hiệu Dũng sĩ Quyết thắng... có kèm theo bản gốc giấy chứng nhận được trao tặng từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

Một trong những bộ huân chương có nhiều kỷ niệm đối với Việt là bộ Huân chương Quân công giải phóng. Theo anh thì đó là những chiếc huân chương rất khó kiếm.

“Năm 2004 sau một thời gian tìm tòi tôi mới có được chiếc hạng Nhất và hạng Ba, còn chiếc hạng Nhì thì phải đến hơn ba năm sau, qua một người quen ở Thành phố Hồ Chí Minh tôi mới có được,” anh nói.

Trong số bộ sưu tập huân chương, huy chương của Liên Xô, có khá nhiều chiếc được tặng thưởng ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đi kèm huân chương là giấy chứng nhận.

Anh Việt đã sưu tập được những chiếc huân chương, huy chương đặc biệt được làm bằng chất liệu bạc như Huân chương Sao đỏ, Huân chương Danh dự, Huân chương Cờ đỏ, cả những chiếc huy chương dành cho các bà mẹ Xô Viết anh hùng.

Anh phân loại theo từng chủ đề như danh nhân, thể thao, giao thông vận tải, hoặc theo hình dạng như hình tròn, chữ nhật, tứ giác… và gài cẩn thận số huy hiệu này lên từng trang bìa, mỗi trang có 30 chiếc và được xếp cẩn thận theo từng chủ đề.

Có lẽ, chỉ những ai gặp nhà sưu tập Trần Vương Việt, xem anh chăm chút từng món đồ của mình mới hiểu được niềm đam mê kỳ lạ của anh và những hiện vật anh sưu tầm trở thành kho tư liệu lịch sử văn hóa rất có giá trị./.

Phạm Điệp (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục