Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt

Sáng 30/6, UBTVQH thảo luận việc tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt phối hợp hài hòa với chính sách tiền tệ chặt chẽ.
Sáng 30/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 và những giải pháp về nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011.

Theo Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 327,8 nghìn tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán năm, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2010. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 355,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán năm. Bội chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 ước 27,7 nghìn tỷ đồng, bằng 23% mức bội chi ngân sách nhà nước cả năm.

Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong các tháng gần đây có xu hướng giảm, từ 3,32% vào tháng Tư, giảm xuống 2,21% vào tháng Năm và 1,09% vào tháng Sáu, cũng là mức thấp nhất kể từ đầu năm. Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 5,57%, thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2010 (6,16%).

Báo cáo đã nêu các giải pháp để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm 2011 đạt kết quả cao nhất, trong đó khẳng định tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; bảo đảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2011 dưới 20% và tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán năm 2011 khoảng 15-16%.

Về chính sách tài khóa, tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tài khóa thắt chặt phối hợp hài hòa với việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát; tập trung vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng để nâng cao năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các ngành, các cấp tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tăng thu, phấn đấu hoàn thành vượt 7-8% dự toán thu năm 2011; tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP, thấp hơn mức Quốc hội quyết định (5,3% GDP); tăng cường rà soát, tập trung vốn, cắt giảm đầu tư công, kiểm soát chặt đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; kiên quyết cắt giảm nguồn đầu tư vào những công trình, dự án không hiệu quả, chưa thật sự cần thiết, tiến độ chậm, kéo dài; ưu tiên và tập trung vốn cho các công trình đã đầu tư dở dang và sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2011.

Đối với chính sách thương mại, giá cả, thị trường, tiếp tục tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm ổn định cung-cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; thực hiện kiên trì và nhất quán trong điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Các ngành, các cấp tiếp tục chỉ đạo các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về giá, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu qua biên giới...

Ngành hữu quan xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể mang tầm quốc gia, tập trung vào cơ cấu và thúc đẩy xuất khẩu, sử dụng hàng trong nước sản xuất và kiểm soát nhập khẩu đối với từng loại mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có kim ngạch lớn để thực hiện được mục tiêu kiểm soát nhập siêu không quá 16% kim ngạch xuất khẩu cho cả năm 2011; thực hiện nghiêm chủ trương sử dụng hàng hóa, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường, hàng xa xỉ, không thiết yếu.

Về bảo đảm an sinh xã hội, tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia hướng đến vùng nghèo, địa bàn huyện, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, người nghèo và đối tượng khó khăn trong xã hội; nghiên cứu, điều chỉnh lương tối thiểu theo vùng cho khu vực doanh nghiệp; tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê, Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2), Chương trình xây dựng ký túc xá sinh viên, Chương trình xây dựng nông thôn mới...

Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm cho thấy đến hết tháng 6/2011, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 327.820 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2011 ước tăng 27,8% so với thực hiện cùng kỳ năm 2010, trong đó: kim ngạch xuất khẩu tăng 30,3%, kim ngạch nhập khẩu tăng 25,8% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước 355.600 tỷ đồng, đạt 49,0% dự toán; bội chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước 27.780 tỷ đồng, bằng 23% dự toán, đây là mức bội chi thấp nhất so với mức cùng kỳ một số năm gần đây (năm 2010 là 25% dự toán, năm 2009 là 32% dự toán), cho thấy chủ trương thắt chặt tài khoá đã được thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, do bối cảnh thị trường không thuận lợi, lãi suất tín dụng ở mức cao, công tác phát hành trái phiếu Chính phủ cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển cũng gặp nhiều khó khăn, 6 tháng đầu năm mới huy động được khoảng 34%.

Các giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2011 được đề xuất, khẳng định tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%; tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tài khóa thắt chặt phối hợp hài hòa với việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Đối với chi đầu tư phát triển, tiếp tục hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đến hết ngày 30/6/2011.

Sau thời hạn này, thu hồi toàn bộ về ngân sách trung ương đối với số vốn mà các Bộ, cơ quan và địa phương đã bố trí không đúng quy định để điều chuyển cho các công trình, dự án thực sự cấp bách, cần ưu tiên xử lý ngay về vốn thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, chương trình hỗ trợ huyện nghèo...

Đối với chi thường xuyên, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quán triệt việc quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, không bố trí kinh phí cho các công việc chưa thực sự cấp bách. Quản lý, sử dụng nguồn dự phòng ngân sách nhà nước theo đúng quy định; nguồn vượt thu ngân sách nhà nước năm 2011 tập trung để giảm bội chi ngân sách nhà nước, tăng chi trả nợ và xử lý một số nhu cầu chi cấp thiết phát sinh (khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội...).

Về công tác quản lý giá cả, thị trường, tăng cường công tác quản lý thị trường; các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện quản lý và kiểm soát giá theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức theo dõi sát diễn biến giá thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời có biện pháp điều tiết, bình ổn giá thị trường, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu, liên quan đến đời sống..

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến tập trung về những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm; khó khăn, thách thức và những vấn đề cần quan tâm trong chỉ đạo, điều hành; các nhóm giải pháp 6 tháng cuối năm cần tập trung thực hiện...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng chủ trương cắt giảm đầu tư công là chủ chương đúng đắn nhưng cần lưu ý trong khâu tổ chức thực hiện.

Theo ông Hiền, Chính phủ nên giao định mức yêu cầu cắt giảm đầu tư công cho từng ngành, địa phương, trên cơ sở đó để địa phương hoặc ngành quyết định cắt giảm.

Đại biểu đề nghị báo cáo của Chính phủ cần phân tích sâu thêm về cả những mặt làm được và chưa được để qua đó thấy được những điểm cần lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 02 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 11 của Chính phủ đã mang lại những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, những kết quả mới chỉ là bước đầu, thách thức, khó khăn những tháng cuối năm còn rất nặng nề, cần có những giải pháp kiên quyết và kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh và khắc phục tồn tại cũ nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời giải quyết một số vấn đề phức tạp về trật tự xã hội, quốc phòng an ninh.

Đại biểu đề nghị Báo cáo cần nghiên cứu để có đánh giá sâu sự tác động của các chính sách được triển khai trong 6 tháng đầu năm tới đời sống người dân như thế nào.

Đánh giá cao việc Nhà nước nước đã ban hành nhiều chính sách để thực hiện an sinh xã hội, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để người dân dễ dàng, thuận lợi trong việc tiếp cận, thụ hưởng chính sách./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục