Thảo luận về nhiệm vụ, ngân sách KHCN và môi trường

Thảo luận về nhiệm vụ, ngân sách KHCN, môi trường

Ngày 28/9, Ủy ban KHCN-MT Quốc hội thẩm tra báo cáo của Bộ KHCN và Bộ TNMT về thực hiện nhiệm vụ, ngân sách 2013; phương hướng 2014.
Sáng 28/9, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã thẩm tra báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2013; phương hướng nhiệm vụ năm 2014.

Làm rõ tính hiệu quả của hoạt động đầu tư cho khoa học


Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá so với các năm trước, năm 2013, tình hình phân bổ và sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học của các địa phương đã được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn. Đây là năm thứ 2 các tỉnh/thành phố phân bổ đạt và vượt số kinh phí Trung ương phân bổ.

Phần lớn kinh phí sự nghiệp khoa học được sử dụng đúng mục đích, dành cho hoạt động nghiên cứu triển khai, còn lại dành cho các hoạt động phục vụ quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, cho hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện. Kinh phí đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ năm 2013 được các tỉnh/thành phố bố trí tăng đáng kể so với trước đây.

Tuy nhiên Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia tích cực vào các hoạt động khoa học và công nghệ; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ tổng hợp có liên quan trong việc phân bổ kinh phí đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ dẫn đến việc sử dụng nguồn kinh phí này ở một số địa phương chưa đúng mục đích, kém hiệu quả hoặc không sử dụng được. Hiện chưa có cơ chế cho phép cơ quan quản lý ngành được chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều tiết việc sử dụng ngân sách dành cho ngành khoa học và công nghệ trong quá trình tổng hợp phân bổ ngân sách để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

Năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh đổi mới tổ chức và quản lý khoa học và công nghệ; nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ các cấp; đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ; tập trung thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hình thành hệ thống doanh nghiệp khoa học và công nghệ, phát triển thị trường công nghệ…

Qua thảo luận, có ý kiến cho rằng việc đầu tư cho khoa học công nghệ thời gian quan vẫn còn dàn trải, cần phải tiếp tục đổi mới hoạt động. Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cần tập chung làm rõ tính hiệu quả của các hoạt động đầu tư cho khoa học. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đánh giá việc tái cơ cấu nền khoa học giai đoạn vừa qua chưa tốt, và đề nghị cần có giám sát chuyên đề về nội dung này. Đại biểu đề nghị trong cơ cấu kinh phí khoa học công nghệ ngoài phân bổ Trung ương và địa phương cần nên rõ việc đầu tư cho khoa học cơ bản, ứng dụng cũng như các ngành để tiện cho việc giám sát thực hiện… Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục bảo đảm cân đối cho hoạt động khoa học và công nghệ hàng năm tối thiểu bằng 2% chi ngân sách…

Đảm bảo hàng năm chi không dưới 1% ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường


Cũng trong sáng nay, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thẩm tra báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường năm 2013; khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phương hướng năm 2014.

Năm 2014, kế hoạch bảo vệ môi trường của các bộ, ngành tập trung vào các dự án, nhiệm vụ trọng điểm, cấp bách trong đó có việc rà soát các tiêu chuẩn môi trường hiện hành, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật môi trường, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ chế chính sách và nâng cao năng lực phòng ngừa, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; áp dụng các công cụ kinh tế trong hoạt động bảo vệ môi trường…

Nhiệm vụ bảo vệ môi trường của các địa phương sẽ tập trung hỗ trợ xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường bức xúc ở địa phương; phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; quản lý chất thải; bảo tồn đa dạng sinh học….

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tăng cường công tác giám sát chi ngân sách Nhà nước cho các hoạt động bảo vệ môi trường tại các địa phương, đảm bảo chi đúng nội dung và đủ kinh phí theo quy định để nâng cao hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cao vai trò, trách nhiệm, quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo hàng năm chi không dưới 1% ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng cho công tác bảo vệ môi trường. Đề nghị Bộ Tài chính hàng năm phân bổ ngân sách sự nghiệp môi trường thành một đợt vào đầu năm để đảm bảo tiến độ giải ngân và hiệu quả thực hiện của các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đề nghị cần quan tâm bố trí hỗ trợ việc thực hiện điện gió cho các các địa phương đã và đang triển khai; khi cấp phép các dự án khai thác khoáng sản cần rà soát, thẩm định, đánh giá kỹ về tác động tới môi trường.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thống kê những địa phương không đảm bảo hàng năm chi không dưới 1% ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường và cách thức xử lý những trường hợp này.

Đại biểu đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần thực hiện giám sát pháp luật về bảo đảm môi trường; làm rõ cơ cấu phân bổ chi ngân sách cho ứng phó biến đổi khí hậu; đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của các bộ, ngành trung ương trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị cho biết tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015; đưa ra các biện pháp cụ thể xử lý các vi phạm bảo vệ môi trường…/.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục