Tân thủ tướng Australia mang hy vọng cho kinh tế

Tuyên bố của tân Thủ tướng Australia mang tới những hy vọng về nguồn sức mạnh mới cho nền kinh tế đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu.
Tuyên bố của Thủ tướng đắc cử Australia Tony Abbott về việc tạo điều kiện các doanh nghiệp và cam kết cắt giảm thuế cũng như tiến hành các cải cách đã mang tới những hy vọng về nguồn sức mạnh mới cho nền kinh tế đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu sau giai đoạn phát triển bùng nổ của ngành khai khoáng.

Ông Abbott đã cam kết nới lỏng quy định, bỏ thuế đánh vào khí thải và thuế lợi nhuận khai mỏ cũng như cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp, trong khi giảm chi tiêu công. Ông Abbott cũng tuyên bố sẽ tăng đầu tư cho việc xây dựng những con đường của thế kỷ XXI.

Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu hàng hóa của Australia được xem là ví dụ thành công trên toàn cầu, với tăng trưởng kinh tế ổn định, thất nghiệp thấp cũng như hoạt động khai thác tài nguyên được đẩy mạnh đã góp phần giúp kinh tế "xứ chuột túi" tránh được suy thoái trong hơn 20 năm qua.

Tuy nhiên, khi sự bùng nổ kéo dài một thập niên của lĩnh vực khai khoáng đang lắng xuống, kinh tế Australia đang tăng trưởng ở tốc độ chậm hơn trong lúc nước này đang trải qua thời kỳ chuyển đổi khó khăn, tìm kiếm các động lực khác cho tăng trưởng.

Australia vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế dù kinh tế toàn cầu biến động, với GDP tăng 2,6% và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5,7%, tuy nhiên nguồn thu từ ngành khai khoáng đang giảm sút và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đầy khó khăn đang được tiến hành.

Tuần trước, ba công ty xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Standard & Poor's (S&P), Moody's và Fitch tái khẳng định mức xếp hạng tín nhiệm AAA của Australia sau khi liên đảng Quốc gia-Tự do giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua và cho rằng họ dự kiến chính sách khung về tài khoá của nước này không thay đổi nhiều.

S&P, Moody's và Fitch đều cho rằng sự thay đổi chính phủ không tác động ngay tới mức xếp hạng của các công ty này.

Theo S&P, mức xếp hạng tín nhiệm của Australia cho thấy tính linh hoạt lớn về chính sách tiền tệ và tài khoá của nước này, khả năng đàn hồi kinh tế và mức độ ổn định về mặt chính sách.

S&P dự kiến chính phủ mới của Australia sẽ theo đuổi một chính sách tài khoá khá giống với chính phủ tiền nhiệm, với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách.

Trong khi đó, theo Moody's, mức xếp hạng của Australia dựa trên khung chính sách tài khoá dài hạn đã mang lại kết quả với ngân sách ở tình trạng cân bằng hoặc thặng dư và nợ chính phủ thấp.

Ngoài ra, tình trạng thâm hụt ngân sách gần đây của Australia bắt nguồn từ tình hình kinh tế thế giới khó khăn trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu xảy ra vào năm 2008.

Trong khi Fitch dự kiến chính phủ mới của Australia vẫn trên lộ trình hướng tới đạt mức thặng dư ngân sách vừa phải vào năm 2017, và cho rằng sự đồng thuận chính trị tương đối mạnh mẽ về chính sách tài khoá tổng thể thận trọng là một yếu tố chủ chốt củng cố mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất đối với quốc gia này.

Moody's cho rằng tăng trưởng kinh tế Australia vẫn ở mức "vừa phải" trong năm nay và sẽ khởi sắc trong năm 2014, qua đó giúp chính phủ mới của nước này cân bằng ngân sách.

Australia đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu mà không rơi vào tình trạng suy thoái và vẫn là một trong vài quốc gia giữ được mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất từ cả S&P, Moody's và Fitch./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục