Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách an sinh XH

Các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm về chính sách lương khu vực nông thôn đảm bảo mức sống, bảo hiểm y tế và việc làm công.
Tăng cường hợp tác, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực an sinh xã hội, là tinh thần được khẳng định trong Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về thiết kế và thực hiện các chính sách, chương trình an sinh xã hội từ hai chuyến khảo sát tại Trung Quốc và Ấn Độ,” diễn ra ngày 18/11 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân và Giám đốc Văn phòng đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa đồng chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, WB đã trình bày kinh nghiệm về thực hiện chính sách lương hưu ở khu vực nông thôn và Chương trình đảm bảo mức sống tối thiểu tại Trung Quốc; hệ thống bảo hiểm y tế, mã số nhận dạng duy nhất (UID) và việc làm công của Ấn Độ...

Chuyến khảo sát tại Trung Quốc có trọng tâm là nghiên cứu về hai chương trình trợ cấp xã hội gồm đảm bảo mức sống tối thiểu và hưu trí nông thôn.

Với mục tiêu “Đến năm 2020 thực hiện an sinh xã hội toàn dân,” hệ thống trợ cấp và bảo hiểm xã hội của Trung Quốc có sự phân cấp rõ ràng trách nhiệm cụ thể giữa trung ương và địa phương. Do có tới 60% dân số sống ở nông thôn nên Trung Quốc thực hiện chủ trương xây dựng chính sách kinh tế-xã hội theo định hướng tam nông (nông nghiệp-nông thôn-nông dân).

Chương trình bảo hiểm hưu trí là chương trình cốt lõi của hệ thống an sinh xã hội Trung Quốc, trong đó phấn đấu xây dựng một hệ thống có khả năng cung cấp hỗ trợ đóng phí cho người nghèo và cận nghèo, cho dân cư nông thôn để họ có thể tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chương trình đảm bảo mức sống tối thiểu ở nông thôn nhằm giúp những hộ nghèo được nhận trợ giúp xã hội, bù đắp khoảng cách giữa thu nhập và chuẩn nghèo.

Chuyến khảo sát tại Ấn Độ với trọng tâm là các chương trình bảo trợ xã hội, bao gồm Chương trình bảo hiểm y tế (RSBY), Chương trình quốc gia về bảo đảm việc làm nông thôn, Chương trình mã số an sinh duy nhất (UID) và Chương trình hưu trí mới. Điều đáng chú ý là công nghệ thông tin được Ấn Độ sử dụng hiệu quả, chi phí thấp trong quản lý các chương trình bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế./.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục