Lắp camera phạt “nguội” vi phạm đường trên cao

Tuyến đường vành đai 3 trên cao có thể sẽ lắp đặt các camera giám sát hình ảnh để tiến hành xử phạt "nguội" phương tiện vi phạm.
Nhằm “siết” tình trạng các phương tiện vi phạm giao thông ở đường trên cao vành đai 3, Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6, Công an Thành phố Hà Nội đề xuất, lực lượng chức năng cần tiến hành lắp đặt thiết bị camera để giám sát, xử phạt "nguội" các xe ôtô dừng, đón trả khách và xe máy “leo” lên cầu mặc dù có “lệnh” cấm.

Theo Trung tá Mẽ, sau khi liên ngành công an và thanh tra ra quân xử lý, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đường đã giảm đáng kể.

[“Cắm chốt" tuần tra đường trên cao Hà Nội suốt 18 giờ]

“Đích thân tôi đã đi kiểm tra và báo cáo tuần tra cho thấy chỉ có 2 đến 3 trường hợp xe máy đi lên đường cao tốc do chưa biết kế hoạch phân làn sau khi thông xe. Những trường hợp vi phạm này đã bị nhắc nhở và xử phạt nghiêm,” Trung tá Mẽ cho biết.

Trong khi đó Trung tá Nguyễn Hồng Thái, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông số 4, Công an Thành phố Hà Nội, Đơn vị quản lý đoạn đường từ Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến cầu Thanh Trì cũng cho hay: “Tình trạng xe máy vi phạm đã giảm rõ rệt, chỉ có một vài xe vi phạm vào buổi tối đều bị lực lượng chốt chặn xử lý ngay.”

Khi được hỏi về tình trạng xe ôm, xe khách bắt khách dọc đường cao tốc, ông Mẽ khẳng định, xe khách đã đi xuống dưới đường để thuận tiện cho việc trả khách về bến nên đã không có trường hợp vi phạm nào.

“Những ngày đầu nhiều xe khách vi phạm là do lái xe muốn đi lên đường mới để thử đường, nhưng đi đường trên cao không thuận tiện cho việc đón trả khách nên hôm này hầu hết các xe khách đã đi xuống dưới đường Phạm Hùng,” ông Mẽ nói.

Liên quan đến vấn đề biển báo chỉ dẫn trên đường cao tốc, ông Mẽ cho biết, về cơ bản biển báo đã đáp ứng được tiêu chuẩn của đường cao tốc. Tuy nhiên, qua thực tế quan sát cho thấy, điểm vạch kẻ chỉ dẫn rẽ xuống đường quá gần, trong khi với tốc độ chạy 80 km/h lái xe sẽ khó quan sát kịp để cho xe xuống đường. Hơn nữa, hệ thống biển báo dẫn lên cầu chưa lắp đặt biển cấm cho phương tiện quay đầu lại.

“Bất cập nhỏ này chúng tôi đã kiến nghị với Ban Quản lý Dự án Thăng Long để điều chỉnh cho hợp lý hơn,” ông Mẽ nói.

[Xử phạt nghiêm xe máy đi trên cầu cạn vành đai ]

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, Thượng tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội cho biết: “Đơn vị địa bàn quản lý tuyến đường đã đề nghị củng cố vạch sơn, biển báo, chỉ dẫn để người tham gia giao thông thực hiện theo đúng luật.”

Thượng tá Thắng cũng cho rằng, lắp đặt camera giám sát đã nằm trong kế hoạch của đơn vị chức năng nhằm xử lý và phạt nguội phương tiện vi phạm qua hình ảnh.

“Chúng tôi đề nghị thành phố trang bị và hỗ trợ các công cụ để lực lượng cảnh sát giao thông có thể tiến hành công tác xử phạt nguội này,” Thượng tá Thắng chia sẻ.

Cũng trong động thái để giảm thiểu tai nạn giao thông, ngày hôm qua (25/10), lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã phối hợp với Công ty Công viên cây xanh Hà Nội ra quân chặt tỉa các cành cây, gỡ bỏ vật cản che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông./.

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Công an Thành phố Hà Nội, từ ngày 21 đến 24/10, lực lượng cảnh sát giao thông Đội 4 và Đội 6 đã xử lý 153 trường hợp vi phạm giao thông, tạm giữ 37 trường hợp ở đường trên cao. Trong số đó, phần lớn là xe máy đi vào đường cấm, số còn lại là ôtô dừng đỗ sai quy định, đi sai làn đường.

Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, các trường hợp bị xử lý trên đường trên cao chủ yếu là mô tô (xe máy, xe ba bánh) đi vào đường cấm, trong đó có 5 xe ôm đi lên cầu bắt khách. Hàng chục ôtô vi phạm các lỗi dừng đỗ sai quy định, vi phạm tốc độ, đi sai làn đường cũng bị lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý nghiêm.

Ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn, Phòng Cảnh sát giao thông đã tăng cường lực lượng để nhắc nhở, xử lý người vi phạm từ 6 giờ đến 24 giờ hàng ngày.
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục