Cứu trợ: Quy về một mối?

Chớ để lá rách chẳng đùm, lá lành lại được bọc...

Cũng những tích cực cứu đói, giúp ổn định cuộc sống cho dân vùng lũ, hoạt động cứu trợ cũng nảy sinh việc phân bổ nơi thừa, nơi thiếu.
Với tinh thần lá lành đùm lá rách có tự bao đời, hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, hàng chục tỷ đồng đã được quyên góp đưa tới người dân rốn lũ miền Trung.

Nhưng cũng trong cơn “giặc nước” ấy, việc phân bổ hàng cứu trợ nơi thừa, nơi thiếu lại được nhắc tới…

Đùm lá… rách ít

Trong những ngày này, trên khắp các diễn đàn, tổ chức… người ta kêu gọi ủng hộ đồng bào lũ lụt. Đó có thể là sự hảo tâm của một tập đoàn, công ty với hàng tỷ đồng và cũng có thể chỉ là vài chục triệu, vài triệu đồng của một nhóm bạn, diễn đàn nhỏ trên internet.

Có lẽ, chưa bao giờ phong trào tự tổ chức đi cứu trợ đồng bào gặp thảm họa do thiên tai gây ra lại lên cao đến thế.

Với nghĩa cử ấy, nhiều thùng hàng đã đến tận tay người dân, giúp dân vượt qua cái đói, cái lạnh giữa muôn trùng nước trắng.

Song, bên cạnh mặt tích cực, đáng biểu dương ấy, vẫn còn đó những hạn chế.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, Tiến sĩ Trần Ngọc Tăng, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, việc cứu trợ tự phát sẽ dẫn đến việc phân phối hàng không đồng đều. Thường thì nơi nào thuận đường giao thông sẽ được “ưu ái” hơn.

Lại nữa, việc cứu trợ tự phát này cũng dẫn đến việc làm hạn chế vai trò điều phối của cơ quan cứu trợ cấp trên. Do đó, có khu vực vừa được đoàn cứu trợ đến, lại tiếp tục nhận được hàng hóa, dẫn đến tình trạng có thể nơi thiệt hại ít được nhiều, nơi thiệt hại nhiều được ít.

Ngoài ra, những nhóm cứu trợ tự phát thường không khảo sát kỹ nhu cầu của người dân để chuẩn bị hàng hóa cho phù hợp.

Ông Tăng lấy ví dụ, trong một số trường hợp, các đoàn từ thiện mang mì tôm, lương khô nhưng lại ít chú ý đến viên lọc nước, bình nước. Từ đó dẫn đến hiện tượng, dân có mì tôm ăn mà không có nước sạch để uống.

Quy về một mối?

Tích cực và hạn chế của việc cứu trợ tự phát đã rõ, nhưng làm thế nào để tập trung vào một mối vẫn là bài toán đau đầu cho những người làm công tác cứu trợ cấp Trung ương.

Báo chí trong những năm qua đã không ít lần nói về việc bòn rút tiền cứu trợ của người dân. Lòng tin của một số người đã giảm sút vào hệ thống cứu trợ và họ muốn đến tận nơi, trao tận tay người bị nạn. Do đó, để khâu về một mối, việc đầu tiên là phải làm tốt công tác cứu trợ đồng bào bị lũ.

Bà Hà Thị Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, tiền cứu trợ qua tổ chức này sẽ được phân bổ tới tận tay bà con qua hệ thống ban cứu trợ từ Trung ương tới cấp tỉnh, huyện, xã.

Theo bà Liên, trong thành phần Ban cứu trợ địa phương thường có Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc làm Trưởng ban và 7 cơ quan khác là thành viên để bảo đảm công bằng. Lực lượng ở địa phương sẽ nắm được ai là người bị thiệt hại nhiều, ít để phân bổ hàng hóa, tiền đến tận tay bà con.

Ông Trần Ngọc Tăng thì cho biết, cả hệ thống Chữ thập đỏ đang phấn đấu để trở thành đầu mối trong việc kêu gọi, tập hợp, phân phối hàng cứu trợ.

Ông cũng khẳng định không để xảy ra sai sót trong việc cứu trợ đồng bào. Các gia đình thuộc diện cứu trợ phải được Hội Chữ thập đỏ cơ sở cùng chính quyền địa phương xác nhận. Các dự án cứu trợ bao giờ cũng được kiểm tra, kiểm toán chặt chẽ.

Về việc “khâu” các hoạt động cứu trợ nhỏ lẻ thành một mối, theo ông Tăng, việc cứu trợ là tự nguyện, phụ thuộc vào tấm lòng của mỗi người.

Bên cạnh làm tốt công tác của mình, Hội Chữ thập đỏ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu. Qua đó, vào những lúc thiên tai, Hội ra lời kêu gọi và những nhà hảo tâm sẽ thông qua hoặc cùng với ngành Chữ thập đỏ cứu trợ trực tiếp.
 
“Quan điểm của Đảng và Nhà nước là xã hội hóa công tác làm việc thiện. Phong trào này là rất tốt nhưng cần phải được thống nhất với nhau qua một đầu mối cụ thể. Song vẫn chưa khâu được vào một mối,” ông Tăng cho biết.

Rõ ràng, đã đến lúc cần có một chương trình cứu trợ tổng thể, một đầu mối duy nhất để tập hợp các nguồn lực nhỏ thành sức mạnh tập thể. Không phải là đợi đến khi có lũ, lụt mới bắt tay hỗ trợ mà có chiến lược, mục tiêu hỗ trợ triệt để trong công tác phòng ngừa thảm họa. Có vậy mới mong, người dân vùng bão lũ có thể sống chung với lũ một cách an toàn./.
Xây nhà an toàn cho dân vùng lũ

Lời kêu gọi của Hội Chữ thập đỏ xếp theo thứ tự ưu tiên: Gạo; thùng hàng; mì tôm, lương khô, bánh mì; nước sạch; giống lúa, vật nuôi, phân bón và cuối cùng là làm nhà, ổn định cuộc sống cho người dân.

Theo ông Hà Thái Bình, Trưởng phòng Quản lý Thảm họa (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam), trong đợt lũ năm 2009, Hiệp Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã xây dựng được 650 căn nhà cho dân, trị giá 30 triệu đồng/căn.

Những căn nhà này có diện tích từ 28m2 - 30m2, được một công ty của Pháp tư vấn, thiết kế, giám sát thi công theo tiêu chuẩn nhà chống lũ.

Tuy đa phần nhà được xây ở trên nền cũ, nhưng ngoài việc tôn nền, những ngôi nhà này còn có gác xép để chứa đồ đạc quý giá, thực phẩm lên khi có lũ ngập.

Trong đợt lũ năm nay, nếu kêu gọi được số tiền đủ lớn, Hội Chữ thập đỏ sẽ tiếp tục làm nhà cho dân.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục