Đại học Y khảo sát mô hình bệnh viện-đại học ở Pháp

Đoàn giáo sư-bác sỹ Đại Học Y khoa Hà Nội thăm và làm việc tại Pháp, từ ngày 5-17/3, để nghiên cứu, khảo sát, học tập bệnh viện-đại học.
Đoàn giáo sư-bác sỹ của trường Đại Học Y khoa Hà Nội, do phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng nhà trường, dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc từ ngày 5-17/3, tại Pháp, để nghiên cứu, khảo sát và học tập kinh nghiệm phát triển mô hình Trung tâm bệnh viện-trường đại học (CHU) của Pháp.

Chuyến thăm này được thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (ADF), trong khuôn khổ dự án “Hiện đại hóa Đại Học Y Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,” một trong những ưu tiên của Chính Phủ Việt Nam, đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra trong chuyến thăm Pháp tháng 10/2007.

Dự án tiền khả thi nghiên cứu khả năng mở rộng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội gồm bốn tầng, với 500 giường, trên diện tích 1.500m2 nằm ngay trong khuôn viên của Đại Học Y Hà Nội, đã được Công ty Credes-Paris giúp đỡ xây dựng, với kinh phí dự toán ban đầu khoảng 1 triệu euro do AFD giúp.

Trong thời gian ở Pháp, các giáo sư và bác sỹ Việt Nam đã đi thăm ba viện trường tại ba thành phố Rouen, Strasbourg và Bordeaux. Đây là những viện trường nổi tiếng của Pháp trên ba phương diện chăm sóc bệnh nhân, giảng dạy và công tác nghiên cứu khoa học.

Tại đây, đoàn đã được nghe giới thiệu về hệ thống y tế của Pháp, dự án “ngoại khoa không cần nhập viện,” các phương thức cải cách bệnh viện liên quan đến bệnh nhân, y tế và các vùng lãnh thổ. Đoàn còn được cập nhận những thông tin mới về cách thức quản lý bệnh viện và các nguồn lực cũng như phương thức tuyển dụng và quản lý các Trung tâm viện-trường đại hoc CHU.

Theo giáo sư Nguyên Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Chủ nghiệm bộ môn tim mạch trường Đại học Y Hà Nội, hiện nay tại Pháp có khoảng 28-29 trung tâm viện trường. Viện trường là mô hình rất tốt và thích hợp để có thể phát triển sự phối hợp và kết hợp công tác trên cả ba mặt hoạt động trên của ngành y hoc Việt Nam. Đây cũng là những kinh nghiệp tốt để Việt Nam có thể học tập và ứng dụng vào các trung tâm viện trường của Việt Nam.

Đặc biệt các thành viên trong đoàn được làm quen với cơ cấu tổ chức mô hình mới được gọi là Pole, các dự án và các hợp đồng của Pole như Pole logistique ở Strasbourg với sự tự động hóa toàn phần trong việc chăm sóc và quản lý bệnh nhân; quản lý bảng dữ liệu của từng bênh nhân; mổ theo hệ thống robot được áp dụng trong thận tiết niệu, tim mạch và tai mũi họng...

Tuy nhiên, kinh phí cho những công việc này còn rất cao. Song đây là những biện pháp tiên tiến có thể nghiên cứu và áp dụng trong tương lai gần ở Việt Nam.

Đoàn còn được đi thăm các Pole tim mạch, các trung tâm ngoại khoa và xạ trị tại Bordeaux./.

Lê Hà-Trung Dung/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục