Năm 2011: Thời băng rộng di động lên ngôi?

Báo giới và chuyên gia nhận định, Internet băng rộng ADSL sẽ suy thoái, nhường chỗ cho băng thông di động trong một tương lai gần.
Nhận định của các nhà báo chuyên trách mảng công nghệ thông tin-truyền thông cho rằng, năm 2011 dịch vụ Internet băng thông rộng ADSL suy thoái, băng thông di động sẽ lên ngôi. Theo các chuyên gia, đây là một nhận định có cơ sở. ADSL đang theo gót dial-up Năm 1997, khi Internet bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, cách kết nối duy nhất là đường truyền Internet gián tiếp qua điện thoại cố định (dial-up) với tốc độ… “rùa.” Cùng với sự bùng nổ của công nghệ, cách đây vài năm, các nhà cung cấp dịch vụ Internet hầu hết đã tuyên bố “khai tử” dial-up, chuyển sang Internet băng rộng (ADSL). Có người còn ví von, so sánh giữa tốc độ truy cập Internet bằng ADSL là “đi ôtô” còn dùng dial-up là… đi xe đạp. Ngoài ra, giá thành của ADSL cũng khá rẻ so với mức thu nhập của dân công nghệ (chỉ khoảng 200.000 đồng/tháng). Đến nay, cụm từ “dial-up” có lẽ đã trở nên xa lạ với những người dùng Internet, nhất là giới trẻ. Có lẽ, người ta chỉ còn gặp cách truy cập Internet qua dial-up ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, nơi mà ADSL chưa cung cấp tới. Người ta kết luận rằng, vòng đời công nghệ của dial-up đã kết thúc. Hiện nay, trong vòng xoáy vũ bão của viễn thông, việc một công nghệ chấm dứt sự thống trị của nó, nhường chỗ cho một công nghệ mới tiên tiến hơn cũng là lẽ thường. Sự bùng nổ của 3G, Wimax, tiếp tới là 4G được cảnh báo sẽ là những mối đe dọa lớn cho ADSL. Mới đây, tại buổi tọa đàm về 10 năm phổ cập viễn thông, Internet tại Việt Nam, nhiều chuyên gia và chính bản thân doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng đưa ra nhận định về sự thoái trào của ADSL. Theo ông Trần Bá Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, tiền đề phát triển tốt với công nghệ băng rộng ADSL là mạng điện thoại cố định. Bởi thế, khi điện thoại cố định ở Việt Nam vào thoái trào thì chắc chắn ADSL cũng bị ảnh hưởng. Số liệu của Tổng cục Thống kê đến cuối tháng 11/2010 cũng “ủng hộ” ý kiến trên khi cho biết, số thuê bao điện thoại cả nước ước tính đạt 163,7 triệu. Trong đó chỉ có 16,4 triệu thuê bao cố định, còn lại là 147,3 triệu thuê bao di động.
Băng thông di động “soán ngôi”?
Theo quy luật, ông Thái nhận định rằng, vòng đời công nghệ của ADSL đã sắp hết, nhường chỗ cho những công nghệ mới hơn như cáp quang (có mức đầu tư rẻ), băng thông di động không dây 3G, 4G, WiMax. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cũng cho biết, công nghệ băng rộng di động đang có những lợi thế hơn hẳn so với ADSL. Ông Hùng đưa ra ví dụ, để đầu tư cho một thuê bao băng rộng ADSL là 150-200 USD, trong khi đầu tư cho thuê bao băng rộng di dộng chỉ vào khoảng 50 USD. Do đó, độ phủ sóng của băng thông di động sẽ rộng hơn. Người dân cũng có thể dễ dàng tiếp cận, kết nối với 3G qua hệ thống bán hàng rộng khắp của các nhà mạng. Bên cạnh đó, hiện nay những chiếc USB 3G của nhà mạng được bán khá rẻ và hấp dẫn. Mạng di động VinaPhone rao bán 3 loại USB 3G với giá từ 799.000 - 999.000 đồng, bao gồm tặng 750MB/tháng trong vòng 6 tháng liên tiếp cho thuê bao trả trước. Còn USB 3G của Viettel thì được chào bán với giá 580.000-780.000 đồng. Khách hàng mua bộ KIT trả trước 65.000 đồng/bộ, sẽ có 500.000-600.000 đồng khuyến mãi (trong 5-6 tháng). Đấy là chưa kể các loại USB 3G chạy được SIM của tất cả các nhà mạng đang được chào bán tràn lan trên mạng với giá cực rẻ, cuốn hút khách hàng ưa công nghệ. Tuy nhiên, các nhà cung cấp ADSL vẫn cho rằng, ADSL và băng rộng di động là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau bởi tính năng của ADSL là có thể chia sẻ cho nhiều máy tính trong một thuê bao, tính cộng đồng cao hơn và chi phí sẽ rẻ hơn so với dùng băng thông di động. Do đó, theo các nhà cung cấp, hai loại hình này sẽ cùng tồn tại. Nhưng, trước việc kết nối hạ tầng, triển khai kéo cáp... ngày càng trở nên khó khăn hơn do chính sách ngầm hóa cáp của các địa phương cũng như giá cả của các doanh nghiệp có hạ tầng cho thuê thì việc triển khai ADSL đến các thuê bao sẽ bị hạn chế rất nhiều. Điều này cũng có nghĩa là mở ra cơ hội lớn cho công nghệ di động không dây. Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng băng thông di động chỉ thực sự lên ngôi sau vài năm nữa, bởi thị trường này mới chiếm 4%./.
Dự báo triển vọng công nghệ thông tin, truyền thông năm 2011 được các nhà báo trong chuyên trách mảng công nghệ chia làm 5 lĩnh vực chính, cụ thể:

* Lĩnh vực Internet:  ADSL suy thoái, băng rộng di động lên ngôi.

* Lĩnh vực di động: Thuê bao 2G chững lại; 4G vẫn là câu chuyện của “tương lai xa.” Các mạng di động nhỏ tiếp tục “cơn bĩ cực dài.”

* Phần mềm: Không có đột phá cả về doanh thu, tốc độ tăng trưởng, thị trường và nhân lực. Câu chuyện Việt Nam là “cường quốc phần mềm” vẫn là giấc mơ.

* Phần cứng:

- Ồ ạt phát triển điện thoại di động thương hiệu Việt phân khúc giá rẻ.

- Máy tính lắp ráp trong nước “teo tóp” trước sản phẩm ngoại nhập của các hàng tên tuổi.

* Doanh nghiệp:

- Lĩnh vực viễn thông: Viettel sẽ qua mặt VNPT về mức doanh thu và mức tăng trưởng bình quân.

- Lĩnh vực CNTT: FPT vẫn chưa thể có một sản phẩm mang tính thương hiệu xứng tầm. Doanh số của doanh nghiệp này cũng như các doanh nghiệp công nghệ thông tin khác vẫn phụ thuộc chủ yếu vào cung cấp dịch vụ và phân phối sản phẩm.
Kỳ Dương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục