Yêu không đúng cách

Thể hiện tình yêu với Tổ quốc cũng cần biết cách?

Độc giả Bùi Long trăn trở "Lần đầu tiên nhìn lá cờ Tổ quốc đặt không đúng chỗ, trong tôi trào lên cảm giác tức giận người đã tùy tiện vẽ."
Trên tảng đá to đúng lối đi trên núi Phú Sĩ có hình một lá cờ đỏ sao vàng. Chắc hẳn tác giả của nó, một người Việt Nam, muốn in dấu biểu tượng Tổ quốc lên ngọn núi huyền thoại để ai đi qua cũng thấy hình ảnh đó đập vào mắt. Nhưng khi đoàn người Nhật hồ hởi chinh phục đỉnh núi, họ nhìn trân trân vào đó, không nói được gì, lắc đầu quay đi. Phải chăng, tình yêu Tổ quốc đã được bày tỏ không đúng chỗ?

Vietnam+ xin đăng những dòng nhắn gửi của độc giả Bùi Long, đang sống ở Nhật Bản, với tác giả của hình vẽ lá quốc kỳ Việt Nam trên đỉnh núi Phú Sĩ.

"Gửi bạn, người tôi không quen,

Bạn nghĩ gì khi vẽ quốc kỳ của Việt Nam lên ngọn núi Phú Sĩ huyền thoại này? Còn tôi, một người Việt Nam khác, nghĩ sao khi chứng kiến đoàn người Nhật nối nhau hồ hởi chinh phục đỉnh núi, bỗng đứng sững lại nhìn trân trân vào quốc kỳ Việt Nam, không nói được gì, lắc đầu quay đi?

Lần đầu tiên nhìn lá cờ Tổ quốc đặt không đúng chỗ, trong tôi trào lên cảm giác tức giận người đã tùy tiện vẽ và buồn. Vì sao ư? Bạn đã đến Nhật và đã leo núi Phú Sĩ, chắc hẳn bạn biết người Nhật trân trọng thiên nhiên đến thế nào. Trước khi trèo núi, bạn buộc phải hiểu những quy định có thể tìm thấy ở khắp nơi, trong sách hướng dẫn, trên Internet bằng tiếng Nhật và nhiều thứ tiếng khác.

Người Nhật Bản cũng như rất nhiều người từ các nước khác khi đặt chân lên núi Phú Sĩ đều biết rằng ở đây không có một thùng rác nào, tất cả những thứ chúng ta mang theo lên đây đều sẽ phải tự mang về; và bạn cũng không được mang đi bất cứ cái gì thuộc về ngọn núi, cho dù chỉ là hòn đá.

Các thông tin hướng dẫn không nói đến việc cấm vẽ, viết lên di sản là bởi hành động này nằm ngoài tưởng tượng của họ. Đó được cho là một sự xâm hại nặng nề đến thiên nhiên và mặc định tất cả mọi người đều phải biết. Nhìn xa hơn, bạn cho rằng việc bạn làm thể hiện tình yêu Tổ quốc? Bạn muốn người Nhật biết đến Việt Nam? Hay đơn giản, bạn chỉ muốn rằng lá cờ Việt Nam được nằm hiên ngang trên ngọn núi Phú Sĩ hùng vĩ, biểu tượng của Nhật Bản? Vậy, bạn sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy cờ Nhật Bản vẽ trên đá núi Bài Thơ của Vịnh Hạ Long?

Bạn đã chọn một vị trí rất tốt để in dấu biểu tượng Tổ quốc, hai tảng đá to hướng đúng lối đi, đập vào mắt những người đi qua. Hàng năm có hàng trăm ngàn lượt người lên thăm đỉnh núi Phú Sĩ này, liệu trong đó sẽ có bao nhiêu người nhìn thấy lá cờ Việt Nam của bạn? Sẽ có bao nhiêu cái lắc đầu trách móc? Và sẽ bao nhiêu phần quý mến Việt Nam trong họ giảm đi khi nghĩ về việc bạn làm?

Bạn đã chinh phục núi Phú Sĩ, chắc bạn có một thời gian sống ở Nhật, hẳn bạn biết vào những năm cuối thập kỷ 1960, rất nhiều sinh viên Nhật Bản tham gia phản đối Chính phủ và chống chiến tranh Việt Nam, ngăn cản sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nhật nhằm phục vụ chiến tranh; biến các cảng biển chính của Nhật thành nơi trung chuyển vũ khí đến chiến trường Việt Nam.

Sự ủng hộ của họ cùng phong trào phản đối chiến tranh ở nhiều nước khác là sự hỗ trợ to lớn không chỉ gián tiếp về mặt tinh thần tới nhân dân Việt Nam mà còn trực tiếp cản trở sự leo thang chiến tranh của Mỹ, góp phần giúp chúng ta giành chiến thắng. Rất nhiều người trong số các sinh viên ngày ấy giờ đây tiếp tục lãnh đạo, tham gia tổng hội và các chi hội hữu nghị Nhật Việt trên khắp đất nước này. Họ vẫn dành tình yêu với Việt Nam, mắt họ vẫn ánh lên sự tự hào khi nói về tháng ngày ấy như thể họ sẽ vẫn sẵn sàng, dù phải đổ máu, bảo vệ niềm tin mãnh liệt vào công lý và tình yêu với đất nước, con người Việt Nam.

Và ngày nay, chúng ta càng cần có được sự ủng hộ và yêu quý từ bạn bè quốc tế.

Yêu Tổ quốc cũng cần phải học?

Bạn và tôi, cho dù là ai, học vấn thế nào, chúng ta đều cần mở lòng mình để thấy rằng, có rất nhiều điều chúng ta chưa biết hết, và có thể chúng ta đã hiểu sai và hành động chưa đúng về một việc nào đó. Chúng ta cần học và rút kinh nghiệm từ những điều nhỏ để không mắc phải những sai lầm to lớn. Dân trí và trình độ văn hóa đôi khi không liên quan đến trình độ học vấn.

Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao ở Nhật mà vẫn luôn có hướng dẫn sử dụng chi tiết được dán ở các thiết bị công cộng? Kể cả trong toilet, phương tiện quen thuộc đến mức "sao cần phải dạy," sẽ vẫn thấy các chú ý sử dụng bằng tiếng Nhật, nhiều nơi có tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc nữa. Tôi nghĩ vì họ là những con người khiêm tốn và chu đáo. Họ cho rằng dù ở lứa tuổi nào cũng vẫn cần phải học, học mọi thứ và đặc biệt học cách làm sao để tránh gây tổn thương đến người khác.

Bạn và tôi, không chỉ có chúng ta trên thế giới này. Chúng ta luôn phải học cách tôn trọng bản thân và những người khác. Vì có rất nhiều những quy tắc ứng xử cho từng tình huống cụ thể mà chúng ta không thể biết hết. Không thể mang bỏng ngô và hạt hướng dương theo khi nghe hòa nhạc cổ điển như đi xem phim hành động; hay không nên mang trống và hét gào cổ vũ trong các môn thể thao khác ngoài bóng đá. Chúng ta có quyền thể hiện tình yêu, nhưng không phải với cái cách làm ảnh hưởng hay gây đau lòng người khác.

Một khi bạn đến nước khác, sự tôn trọng nền văn hóa và con người bản địa sẽ kéo bạn gần hơn với họ. Sự khiêm tốn và cầu thị học hỏi sẽ khiến nhiều người họ yêu mến bạn hơn. Và từ đó, ấn tượng về Việt Nam trong họ sẽ mang hình bóng của bạn, chân thành và thân thiện. Đó là cách bạn yêu quê hương, chứ không phải bằng một lá cờ nằm sai chỗ.

Làm sao biết được thế nào là đúng và thế nào là sai?

Tôi và bạn, nếu chúng ta đặt cái tôi của bản thân cao hơn mọi thứ khác, sẽ rất khó thấy đâu là sai hay đúng. Đặt mình vào vị trí người khác là cách tốt để biết được người đó sẽ cảm thấy thế nào. Nếu bạn là khán giả hay là một nhạc công trong dàn hòa nhạc, bạn có thể hết mình thưởng thức hoặc biểu diễn được không khi tôi nói chuyện ồn ã và cắn hạt hướng dương tí tách? Hay bạn có tập trung đấu cờ vua được không khi tôi hò hét "Cố lên Việt Nam!"?

Lẽ phải là điều mà mọi con người trên Trái Đất này đều hướng tới. Tại sao tất cả chúng ta đều căm phẫn khi chứng kiến tội ác giết hại đồng loại? Hay tại sao lúc này đây, đang có rất nhiều người dân dù ở các quốc gia khác nhau, từ Nhật Bản, Mỹ đến Argentina xa xôi, cùng lo lắng, quan tâm đến Việt Nam và một số nước ASEAN khác? Là do tình yêu và niềm tin vào lẽ phải, là bởi vì đạo lý nằm trong trái tim của mỗi con người./."

Bùi Long (Viết từ Phú Sĩ, Nhật Bản 9-10/8/2012)

Tin cùng chuyên mục