Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Với chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, Việt Nam đã chi cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hơn 10% GDP hàng năm.
Sáng 28/8, hội thảo quốc tế lần thứ nhất về kết cấu hạ tầng đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của một số bộ Việt Nam và Nhật Bản.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, cho biết với những chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong những năm qua, Việt Nam đã chi cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hơn 10% GDP hàng năm, tạo chuyển biến tích cực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ vậy, chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng đã được củng cố và nâng lên theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ và mở rộng đến mọi vùng miền của đất nước.

Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như quy mô còn nhỏ, chưa tạo được các kết nối liên hoàn, đặc biệt còn thiếu nhiều đường cao tốc đúng tiêu chuẩn, mạng đường đô thị ở các thành phố lớn, các khu vực phát triển chưa được quy hoạch, kết nối với mạng giao thông chung của quốc gia.

Các hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, các tuyến tàu điện ngầm trong đô thị vẫn chưa được xây dựng. Kinh nghiệm lập quy hoạch hạ tầng còn yếu, dẫn tới việc thường xuyên phải điều chỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, do khó khăn về vốn đầu tư và sự phân bổ dàn trải, không tập trung cũng làm giảm nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam.

Theo bà Vũ Quỳnh Lê - Chánh văn phòng hợp tác công-tư (Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch Đầu tư), mặc dù Chính phủ khuyến khích đa dạng hóa hình thức đầu tư, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng nhưng quá trình triển khai cơ chế hợp tác công-tư (PPP) vẫn bị vướng.

Trước tiên, hệ thống pháp luật quy định về PPP đối với các dự án kết cấu hạ tầng còn chưa thống nhất, chưa có hướng dẫn cụ thể, nguồn kinh phí chưa bố trí kịp thời. Do đó, các dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư đầu tư PPP chưa thực sự hấp dẫn; năng lực triển khai PPP còn hạn chế.

Bà Lê kiến nghị, cần tạo đồng thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính liên quan đến dự án PPP; đồng thời xây dựng khung thể chế, pháp lý hoàn chỉnh về PPP và tăng cường năng lực cho các cơ quan liên quan.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, trong những năm qua Bộ Xây dựng đã rất quan tâm đến công tác định hướng phát triển kết cấu hạ tầng. Bộ đã tập trung xây dựng một cách có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng và đôn đốc triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ cũng xác định việc tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực ngoài nước, học hỏi và ứng dụng một cách chọn lọc các kinh nghiệm, các thành tựu phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng của các nước bạn là chiến lược cần được ưu tiên.

Với kinh nghiệm của một quốc gia dẫn đầu thế giới về kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng, tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã trao đổi về một số công nghệ ưu việt như xây dựng đường cao tốc, đường sắt cao tốc, cải tạo nền đất yếu; công tác tư vấn giám sát trong xây dựng công trình giao thông.

Các đại biểu tham gia đã ghi nhận những kinh nghiệm quản lý và phát triển hạ tầng của Nhật Bản rất thiết thực cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, Nhật Bản đang là quốc gia có vốn ODA lớn nhất dành cho Việt Nam và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phát triển hạ tầng.

Hội thảo này là cơ hội tốt để các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, các chuyên gia Việt Nam tìm hiểu sâu hơn về chiến lược phát triển, về công nghệ, về mô hình phát triển kết cấu hạ tầng, cũng như những kinh nghiệm quý báu của Nhật Bản trong công tác phát triển hạ tầng. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan giữa hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi công nghệ./.

Thu Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục