Lo ngại chuyện hàng tạm nhập tái xuất… lang thang

Kim ngạch hàng tạm nhập tái xuất đang gia tăng nhanh một cách bất thường, trong khi đó, nhiều lô hàng có tình trạng tạm nhập nhưng… không tái xuất. Tình trạng đáng lo ngại này vừa được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cảnh báo trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 31/8. Những kẽ hở về cơ chế chính sách tạm nhập tái xuất là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trên.
Kim ngạch hàng tạm nhập tái xuất đang gia tăng nhanh một cách bất thường, trong khi đó, nhiều lô hàng có tình trạng tạm nhập nhưng… không tái xuất.

Tình trạng đáng lo ngại này vừa được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cảnh báo trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 31/8.

Theo Bộ Tài chính, nếu như năm 2006, giá trị hàng tạm nhập tái xuất chỉ là 1,3 tỷ USD thì năm 2011, con số này đã là 6,3 tỷ USD, tăng gần năm lần. Tình trạng này có xu hướng gia tăng khi tính riêng 6 tháng năm 2012, kim ngạch hàng tạm nhập tái xuất đã là hơn 3,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, kim ngạch tạm nhập tăng cao nhưng tái xuất rất thấp. Cá biệt năm 2007, nhập vào 1,75 tỷ USD nhưng kim ngạch tái xuất chỉ đạt 250 triệu USD. Đây là biểu hiện của tình trạng trốn thuế và buôn lậu.

Cuối tháng Bảy vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ 2.000 tấn xăng tạm nhập tái xuất đang thẩm lậu vào nội địa trên vùng biển miền Trung. Đường dây này đã đưa số xăng trên về VIệt Nam dưới hình thức tạm nhập tái xuất nhưng sau đó không xuất sang Trung Quốc mà bán lại cho các đối tác Việt Nam để hưởng chênh lệch.

Cũng trong tuần trước, Tổng cục Hải quan đã kiểm tra và đang xử lý 167 container tạm nhập tái xuất hàng cấm gồm nhiều mặt hàng như phế liệu, ắc quy chì, rác thải công nghiệp… Đợt kiểm tra cũng phát hiện tới hơn 30 container hàng đông lạnh vi phạm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Tổng cục Hải quan, hiện đang có khoảng 600 container hàng tạm nhập tái xuất đang… lang thang. Đợt thanh tra gần đây ở những địa bàn trọng điểm cũng phát hiện có đến 1.010 lô hàng đã quá thời hạn lưu trú 180 ngày mà chưa tái xuất.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, những kẽ hở về cơ chế chính sách tạm nhập tái xuất là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trên.

Nhiều mặt hàng trong nước cấm sản xuất, nhưng quy định hiện nay vẫn cho phép tạm nhập tái xuất. Trong khi đó, thời gian cho một quá trình tạm nhập tái xuất  được quy định là 180 ngày là quá dài. Để hạn chế tình trạng này, Bộ Tài chính đề xuất nên quy định thời gian tạm nhập tái xuất không quá 30 ngày. Ngoài ra, quy định cũng cần nêu rõ tuyến đường vận chuyển, các loại kho bãi ở hai đầu cửa khẩu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, cần “khoanh vùng” doanh nghiệp được phép hoạt động tạm nhập tái xuất với các yêu cầu rõ ràng về vốn, kho bãi ở cả hai đầu, nhân lực, điều kiện kinh doanh…

Ngoài ra, những thông lệ quốc tế về hồ sơ, thủ tục về tạm nhập và tái xuất; việc tổ chức thanh toán qua ngân hàng; quy định rõ cửa khẩu được đi cũng cần phải nhắc tới.

Đặc biệt, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, cần chấm dứt ngay việc tạm nhập tái xuất xăng dầu qua đường biển.

“Nếu các cơ quan liên quan không phối hợp sửa các cơ chế chính sách đối với hàng tạm nhập tái xuất thì không thể giải quyết triệt để tình trạng này,”  Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục