Cuộc chiến chống AIDS đối mặt nhiều thách thức

Một trong những thách thức lớn nhất là sự thiếu hụt ngân quĩ trầm trọng cho chiến dịch phòng chống HIV/AIDS trên toàn thế giới
Ngày 23/7, Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS lần thứ 18 tại Vienna (Áo) đã kết thúc sau sáu ngày họp. Các báo cáo cuối cùng đưa ra tại hội nghị đã nêu ra một loạt thách thức mới đối với những nỗ lực trên toàn cầu chống lại căn bệnh chết người này.

Một trong những thách thức gây quan ngại nhất là sự thiếu hụt ngân quĩ ngày càng trầm trọng cho chiến dịch phòng chống HIV/AIDS trên toàn thế giới.

Các quan chức và chuyên gia y tế cảnh báo vấn đề này đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết do cuộc khủng hoảng tài chính buộc các chính phủ phải cắt giảm các khoản chi cho việc phòng chống HIV/AIDS sau khi phải dành hàng tỉ USD để cứu trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Một số tổ chức phòng chống AIDS của Mỹ dự báo năm nay thế giới cần khoảng 25 tỉ USD cho việc việc điều trị và phòng ngừa căn bệnh này, song một nửa số tiền này "vẫn chưa biết lấy đâu ra." Do thiếu hụt ngân quĩ, một số dự án viện trợ đã phải tạm ngừng, đe doạ nghiêm trọng cuộc chiến toàn cầu chống lại căn bệnh chết người này, cũng như mạng sống của nhiều bệnh nhân.

Trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nhất có Kenya với 70% ngân quĩ phòng chống và điều trị HIV/AIDS phụ thuộc vào nguồn tài trợ quốc tế.

Thách thức khác đối với cuộc chiến chống AIDS trên toàn cầu là vấn đề tuổi tác của người bệnh. Nhờ việc phổ cập thuốc chống virút HIV, tuổi thọ của bệnh nhân AIDS được kéo dài đáng kể và trong thời gian tới, hàng triệu bệnh nhân sẽ là người cao tuổi, với phần lớn sống ở các nước kém phát triển thuộc châu Á và châu Phi.

Hiện tượng này có thể làm trầm trọng thêm gánh nặng tài chính vốn đang trở nên quá sức ở các nước này. Ngoài ra, bệnh nhân AIDS cao tuổi có thể trở thành nạn nhân của sự phân biệt đối xử, sự cô lập và các vấn đề xã hội khác.

Ngoài ra, một thách thức mới nổi lên trong chiến dịch chống AIDS toàn cầu, theo các chuyên gia y tế của WHO, là trong khi tình hình dịch bệnh đang dần ổn định ở Tây Âu, châu Phi và Đông Nam Á, thì lại đang xấu đi nhanh chóng ở Đông Âu và Trung Á.

Trong số khoảng 100.000 trường hợp mới mắc bệnh ở châu Âu năm 2009, có 80.000 trường hợp ở Đông Âu, trong đó riêng Ukraine có 15.000 trường hợp. Còn tại Trung Á, 80% trường hợp mới nhiễm bệnh dưới 30 tuổi và nguyên nhân chính là do sử dụng kim tiêm ma túy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục