Kiểm soát chặt khí thải phương tiện giao thông

Giải pháp trước mắt để cải thiện chất lượng không khí là kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, đảm bảo mỗi xe là một “xe sạch”.
Có nhiều nguyên nhân khiến các đô thị lớn ngày càng trở thành những điểm nóng về ô nhiễm không khí, vì vậy giải pháp trước mắt để cải thiện chất lượng không khí tại các thành phố lớn là kiểm soát  khí thải của các phương tiện giao thông, đảm bảo mỗi xe là một “xe sạch”.

Càng đô thị hóa càng ô nhiễm nhiều

Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường cho thấy mức độ ô nhiễm không khí (ONKK) đã lên mức báo động. Các thành phố đều bị ô nhiễm bụi. Bụi mặt đường ngày càng nhiều, chiếm 70% bụi đô thị.

Hàm lượng bụi ven đường tại các thành phố lớn như Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần, nhất là khu vực có nhiều công trình xây dựng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàm lượng bụi có kích thước bụi bé hơn 10 micron (PM10) chủ yếu thải ra từ xe cơ giới cũng vượt tiêu chuẩn cho phép 1,5 lần.

Các trục giao thông và nút cắt giao thông khu vực nội thành thường xuyên có nồng độ mônôxít cácbon (CO) và hyđrô cácbon (HC) chủ yếu thải ra từ các xe chạy bằng xăng chủ yếu là môtô, xe máy vượt tiêu chuẩn cho phép.

Hàm lượng các loại ôxít nitơ (NOx) trung bình năm và trung bình giờ ở ven đường đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Kết quả còn cho thấy môi trường đang bị ô nhiễm benzen. Nồng độ chì và các phụ gia khác trong xăng là toluene, xylene cũng đang tăng lên trong những năm gần đây.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, các sự cố về môi trường không khí ở Việt Nam chưa có, nhưng ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì hiện nay rất nhiều. Các đô thị ở Việt Nam cũng có môi trường không khí đô thị khác nhau nhất là những đô thị đang phát triển, cải tạo nâng cấp và mở rộng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau về môi trường không khí giữa các đô thị ở Việt Nam, trong đó có 4 nguyên chính. Thứ nhất là do giao thông vì lượng xe tăng, mặt đường xấu, đường chật, mật độ giao thông ngày càng lớn, khí xả của môtô, xe máy nhiều độc hại như CO và NOx, các muội khói; việc rò rỉ hơi xăng dầu từ xe cộ, xung quanh các trạm xăng cũng là một tác nhân gây ONKK.

Nguyên nhân thứ hai do hoạt động sửa chữa, xây dựng, vận chuyển nguyên vật liệu không đảm bảo độ kín, vật liệu rơi vãi gây bụi. Thứ ba là sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp còn đan xen trong các khu đô thị như đốt các chất nhiên liệu gây ô nhiễm; các cơ sở ép nhựa, tái chế thép, ni lông, phế liệu với công nghệ lạc hậu thải nhiều chất ô nhiễm cũng gây ra ONNK.

Bên cạnh đó, hoạt động đun nấu cũng là một nhân tố gây ô nhiễm, nhất là những cửa hàng phở, ăn uống lớn và đun nấu bằng than.

Nhiều nghiên cứu cho thấy những khu vực này, nồng độ các khí độc như lưu huỳnh, CO, NOx rất cao so với các khu khác. Nồng độ chì trong không khí, muội khói xe chủ yếu là xe tải, xe buýt chạy bằng dầu có tác hại gây bệnh phổi trầm trọng và bệnh ung thư.

Những chất thải gây ONKK trên rất hại cho sức khỏe nếu như hít nhiều khí NOx có thể bị chết, bụi xe cơ giới HC có thể gây viêm phế quản và bụi ven đường PM10 có thể bị nhiều loại bệnh về đường hô hấp.

Bảo dưỡng xe để giảm phát thải

Môtô, xe máy là nguồn chính thải ra CO, HC, NOx. Năm 2005, môtô, xe máy của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tiêu thụ 56% xăng (không tính điêden) nhưng lại thải ra lần lượt 94%, 87% và 57% các chất độc hại HC, CO và NOx trong tổng lượng phát thải của xe cơ giới.

Số môtô và xe máy của Việt Nam tăng ngày càng nhanh và phần lớn xe máy ở Việt Nam có thời gian sử dụng dưới 7 năm nhưng cũng có 25% số xe là trên 10 năm sử dụng.

Xe máy ở Việt Nam có kết cấu, công nghệ lạc hậu do chủ yếu sử dụng bộ chế hòa khí và thiếu các hệ thống kiểm soát, xử lý khí thải trên xe như phun không khí thứ cấp, hệ thống phun xăng điện tử, hệ thống thu giữ hơi xăng, bộ chuyển đổi xúc tác… nên chất lượng phát thải thấp.

Khảo sát cho thấy gần 60% số xe ở Hà Nội và trên 50% xe ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay không đạt tiêu chuẩn khí thải CO và HC. Còn xe ba bánh, tuy số lượng không đáng kể so với xe hai bánh nhưng đa số là xe cũ, tự chế, cải tiến từ các loại xe khác nhau, không được đăng ký và kiểm ra chất lượng xuất xưởng nên chất lượng nói chung và chất lượng phát thải rất thấp.

Việc bảo dưỡng, sửa chữa xe có tác dụng làm tăng hiệu quả sử dụng và tuổi thọ cho xe, giúp giảm phát thải lượng phát thải. Một thử nghiệm tại Đại học Bách khoa cho thấy, lượng CO (tính bằng g/km) giảm gần 55% và lượng HC (g/km) giảm gần 52%, tiết kiệm tiêu hao nhiên liệu hơn 15%.

Tuy nhiên, hiện nay, việc bảo dưỡng xe không gắn với kiểm tra khí thải. Nghiên cứu của Cục Đăng kiểm cho thấy, đa số người dân chỉ chú ý thay dầu 2 - 3 tháng/lần với ý nghĩ để bảo vệ động cơ, còn các bộ phận khác như lọc gió, chế hòa khí, bugi… có ảnh hưởng đến sự phát thải thì hầu như không được quan tâm.

Người sử dụng chỉ mang xe đi bảo dưỡng, sửa chữa khi thấy có sự sút giảm đáng kể về công suất động cơ, khó khởi động hoặc tiêu hao nhiên liệu quá lớn chứ không vì mục đích giảm khí thải. Các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa hiện nay đều không có các thiết bị đo khí thải môtô, xe máy, không hiểu biết về kỹ thuật, quy trình đo, các chỉ tiêu và mức tiêu chuẩn đánh giá.

Người sử dụng lại không biết xe mình đang sử dụng có gây ô nhiễm không, người sửa cũng không biết chính xác hiệu quả sửa đến đâu, chỉ dựa vào kinh nghiệm. Việc bảo dưỡng là theo nhu cầu của khách hàng chứ chưa gắn với mục đích giảm khí thải./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục