Giới chức Mỹ nhất trí hoãn việc gia tăng trừng phạt Iran

Ngày 12/12, các nghị sỹ hàng đầu thuộc Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ đã nhất trí hoãn việc gia tăng các lệnh trừng phạt mới đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này vào thời điểm hiện tại.

Trong một động thái thể hiện sự ủng hộ chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với chương trình hạt nhân của Iran, ngày 12/12, các nghị sỹ hàng đầu thuộc Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ đã nhất trí hoãn việc gia tăng các lệnh trừng phạt mới đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này vào thời điểm hiện tại.

Phát biểu tại buổi điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Ủy ban, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Tim Johnson đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Obama trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran thông qua con đường ngoại giao.

Theo ông Johnson, việc tăng cường siết chặt cấm vận đối với Iran ngay lúc này sẽ gây phương hại đến sự đoàn kết của các cường quốc trong nỗ lực ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời có thể là cái cớ để nhà nước Hồi giáo thay đổi thỏa thuận hạt nhân sơ bộ vừa được ký kết tại Geneva.

Tuy nhiên, chính khách này cũng cảnh báo ông đã cùng với Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa Mike Crapo soạn thảo một dự luật trừng phạt bổ sung đối với Iran và văn kiện này sẽ có hiệu lực nếu Iran không nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân, cũng như không tuân thủ các điều kiện trong thỏa thuận ban đầu nhằm đi đến thỏa thuận cuối cùng.

Mặc dù quyết định này nhận được sự ủng hộ của đại đa số các nghị sỹ thuộc hai đảng của Ủy ban, song một số chính khách vẫn tỏ ý hoài nghi đối với Iran trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân.

Phát biểu tại phiên điều trần, nghị sỹ đảng Dân chủ Robert Menendez cho rằng Thượng viện vẫn cần thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm buộc Tehran nghiêm túc trong các cuộc đàm phán sắp tới để đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Động thái trên diễn ra ngay sau khi Washington cùng ngày công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với loạt công ty và cá nhân của nhiều nước, trong đó có Singapore, Panama và Ukraine, với lý do hậu thuẫn chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Giới chức Mỹ nhấn mạnh quyết định này là lời cảnh báo báo đối với giới doanh nghiệp, ngân hàng cũng như doanh nhân rằng Washington sẽ vẫn tiếp tục thực thi một cách nghiêm khắc các lệnh trừng phạt đối với chính quyền Tehran bất chấp việc Mỹ đang tìm kiếm khả năng tiến tới một giải pháp mang tính lâu dài và toàn diện nhằm giải tỏa những quan ngại của quốc tế đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục