Ai đoàn kết người Libya?

Ai có thể đoàn kết người Libya khi Gaddafi ra đi?

Câu hỏi lớn không phải là liệu chế độ của Gaddafi có thể sống sót mà là liệu Libya rơi vào hỗn loạn sau khi ông ta ra đi.

Tình hình chiến sự tại Tripoli đang rất quyết liệt. Câu hỏi lớn hiện nay không phải là liệu chế độ của Gaddafi có thể sống sót mà là liệu lực lượng nổi dậy có ngăn được Libya rơi vào hỗn loạn sau khi ông ta ra đi.

 

Rõ ràng, chế độ Gaddafi sắp đến hồi kết. Trong bối cảnh các nhóm nhỏ quân nổi dậy đang chiến đấu bên trong Tripoli và những đơn vị quy mô lớn hơn đang mở đường tiến vào thành phố, nhà lãnh đạo kỳ cựu Gaddafi đang chịu sức ép chưa từng có, chỉ vài ngày trước 1/9 - ngày kỷ niệm cuộc đảo chính năm 1964 đưa ông lên cầm quyền.

 

Giả sử chế độ Gaddafi sụp đổ, phe nổi dậy sẽ phải nhanh chóng lấp khoảng trống quyền lực. Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) - lực lượng nổi dậy chủ đạo - đóng trụ sở tại Benghazi ở miền Đông Libya, bao gồm các cựu bộ trưởng "đào tẩu" khỏi chính quyền Gaddafi, những nhân vật đối lập lâu năm đại diện cho một loạt quan điểm chính trị, trong đó có người theo chủ nghĩa dân tộc Arập, Hồi giáo, thế tục, xã hội chủ nghĩa và thương gia.

[Những lo ngại về tình hình Libya thời kỳ hậu chiến]

 

Trong khi đó, quân nổi dậy không phải là một lực lượng hùng hậu vững chắc, mà là một lực lượng chắp vá gồm các nhóm vũ trang, cựu binh sĩ và những dân quân tự do (trong đó có các băng nhóm lân cận tự phong và các cựu thành viên thuộc nhóm du kích Hồi giáo từng bị Gaddafi đập tan vào những năm 1990).

 

Thách thức mà lực lượng nổi dậy phải đối mặt sẽ rất lớn, trong bối cảnh nền kinh tế Libya rối loạn, truyền thông bị gián đoạn, các ngành dịch vụ công cộng bị tàn phá và các nhóm có vũ trang tự do tung hoành. Trong khi đó, bảng thành tích "cầm quyền" của NTC đến nay hết sức nghèo nàn. Bị chia rẽ bởi chủ nghĩa bè cánh, NTC chật vật trong việc đảm bảo an ninh cho những vùng mà họ kiểm soát.

 

Theo các nhà phân tích chuyên nghiên cứu về phe đối lập, một số nhóm nổi dậy ở những vùng khác của đất nước không muốn hợp tác với NTC. Do vậy, liệu sự chia rẽ này có bùng phát khi lực lượng nổi dậy chiếm quyền kiểm soát đất nước? Oliver Miles, cựu đại sứ Anh tại Libya nói: "Họ rất quan tâm tới việc tránh lặp lại trường hợp của Iraq thời hậu Saddam và muốn một tiến trình chuyển giao chính trị êm ả và trong sạch. Tuy nhiên, quả thực, quá trình này có thể sẽ rất hỗn loạn."

 

NTC trong nhiều tháng qua đã vạch ra kế hoạch thời hậu Gaddafi, trong đó có việc thành lập một chính quyền hợp hiến và tiến hành các cuộc bầu cử do Liên hợp quốc giám sát. Đại sứ Libya tại Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UEA), Aref Ali Nayad, người hiện thuộc phe nổi dậy, cho biết Nhóm Ổn định Libya gồm 70 người đã bắt đầu hoạt động tại Dubai với mục tiêu giám sát quá trình chuyển giao thời hậu chiến về an ninh, y tế, giáo dục và hạ tầng cơ sở.

[Libya: Rạn nứt ngày càng sâu trong phe nổi dậy]

 

Ông Nayad cho biết nhóm này sẽ đảm bảo nguồn cung nhiên liệu sau khi Tripoli được tự do. Các chính quyền thời hậu Gaddafi sẽ tuân thủ luật pháp và không tổ chức bất kỳ phiên tòa "trả thù" nào.

 

Theo các nhà phân tích, để giành chiến thắng nhanh gọn ở Tripoli, phe nổi dậy cần phải cải thiện bầu không khí chính trị chính trong nội bộ của mình, quy tụ những nhân vật "lão làng" đến từ khắp mọi miền Libya và đang sống lưu vong ở nước ngoài, những người chiếm các vị trí, nghề nghiệp được kính trọng trong xã hội, để đóng vai trò như là "các vị cha già dân tộc." Nhiệm vụ của họ sẽ là tránh để xảy ra khoảng trống quyền lực và kêu gọi sự ủng hộ của mọi người dân Libya.

 

Về vấn đề ai có thể đoàn kết người dân Libya một khi Gaddafi ra đi, Kamran Bokhari, Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông của Cơ quan tình báo toàn cầu Stratfor cho rằng vấn đề là tại Libya, không có vị thủ lĩnh nào của lực lượng nổi dậy được mọi người tôn trọng. Ông nói: "Điều hành một đất nước sẽ là việc khó khăn hơn nhiều đối với quân nổi dậy và tìm ra một người được mọi người chấp nhận sẽ là một thách thức".

 

Trong khi đó, Husam Najjair thuộc lực lượng nổi dậy lo ngại về khả năng quân nổi dậy quay ra chống lẫn nhau để tranh giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli, hơn là lo ngại về mối đe dọa từ lực lượng trung thành với Gaddafi. Ông nói: "Điều đầu tiên mà đơn vị tôi sẽ làm là lập các trạm kiểm soát để giải giáp vũ khí của mọi người, kể cả các nhóm nổi dậy khác, bởi nếu không sẽ xảy ra vụ tắm máu vì các nhóm nổi dậy sẽ muốn kiểm soát Tripoli"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục