Giá mía nguyên liệu ở ĐBSCL “sốt” từng ngày

Sau Tết, tình hình thiếu mía nguyên liệu rất gay gắt, các nhà máy đường chạy đua tìm mua nguyên liệu khiến giá mía tăng từng ngày.
Do thiếu mía nguyên liệu nên từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các nhà máy đường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cạnh tranh nhau rất quyết liệt để có nguồn nguyên liệu hoạt động, giá mía tăng lên mỗi ngày.

Hiện giá mía 10 CCS được mua tại nhà máy đường Phụng Hiệp là 1.200 đồng/kg, tại nhà máy đường Vị Thanh (Hậu Giang) là 1.230 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với đầu vụ.

Do vào cuối vụ nên phần lớn sản lượng mía đều đạt từ 10-12 CCS, vì vậy giá thu mua mía tại rẫy của nông dân phổ biến 1.200-1.450 đồng/kg, mức giá cao nhất nông dân bán được từ trước đến nay.

Tuy giá mía tăng cao nhưng các nhà máy đường vẫn thiếu nguyên liệu hoạt động. Nhà máy đường Phụng Hiệp có công suất 2.500 tấn/ngày chỉ hoạt động được từ 1.800-2.000 tấn/ngày, nhà máy đường Vị Thanh công suất 3.500 tấn/ngày nhưng cũng chạy được không quá 2.000 tấn/ngày.

Theo ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, sau Tết Nguyên đán, tình hình thiếu mía nguyên liệu rất gay gắt, các nhà máy đường đang chạy đua tìm mua mía nguyên liệu và giá mía tăng lên từng ngày.

Hiện toàn vùng chỉ còn khoảng 300.000 tấn mía nguyên liệu, trong đó huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) còn 200.000 tấn và tỉnh Trà Vinh còn 100.000 tấn nhưng có tới 6 nhà máy đường đang hoạt động nên các nhà máy sẽ hết nguyên liệu và ngừng hoạt động trong tháng 3 này, sớm hơn cùng kỳ 1 tháng.

Do thiếu nguyên liệu trầm trọng nên hiện các nhà máy đường trong khu vực tự động tăng giá mà không ngồi lại để thống nhất giá thu mua mía như trước đây. Nhà máy đường nào không tăng giá thu mua sẽ không có nguyên liệu và sẽ ngừng hoạt động sớm.

Hiện giá đường đã chững lại nhưng giá mía vẫn tiếp tục tăng nên hầu hết các nhà máy đường hoạt động đều không có lãi và muốn chạy nước rút để kết thúc sớm niên vụ ép năm nay./.

Ngọc Thiện (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục