Nảy mầm sau 3.500 năm?

Hạt thóc có niên đại 3.500 năm tuổi hồi sinh?

Sáu hạt thóc nằm sâu trong lòng đất hơn 3.500 năm (thuộc văn hóa Đồng Đậu) vừa được khai quật tại thành Dền lại bỗng dưng... nảy mầm.
Giới khoa học Việt Nam không khỏi sửng sốt trước thông tin một số hạt thóc vừa được khai quật tại thành Dền (Mê Linh, Hà Nội), có niên đại cách đây hơn 3.500 năm (thuộc văn hóa Đồng Đậu) lại có thể nảy mầm. Sự kiện hy hữu này đang được chờ giải mã.

Vừa qua, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung và cộng sự khi khai quật tại thành Dền đã thu được một số hạt thóc từ tầng văn hóa Đồng Đậu. Sau vài ngày cho vào nước để ngâm, các nhà khoa học hết sức ngạc nhiên khi thấy một vài hạt trong số đó đã nảy mầm, đâm lá.

Băn khoăn về hiện tượng “có một không hai” này, các nhà khảo cổ đã gửi mẫu thóc tới Viện Di truyền Nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) để nghiên cứu.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê  Huy Hàm (Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp), trong số 100 hạt thóc viện này nhận được đã có 6 hạt nảy mầm. Ông cũng cho hay, về lý thuyết và thực tiễn đều không thể có hiện tượng thóc tồn tại nguyên vẹn trong tự nhiên với thời gian khoảng 3.500 năm.

Đồng tình, Giáo sư, Viện sĩ Trần  Đình Long (Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam) cho biết, thông thường hạt thóc sẽ mất sức nảy mầm sau vài năm. Thậm chí, nếu bảo quản trong kho lạnh sâu cũng chỉ kéo dài khả năng nảy mầm vài chục năm.

Tuy nhiên, ông Long cũng không ngoại trừ có khả năng “đặc biệt” nào đó giúp hạt thóc kỳ lạ trên nảy mầm.

Một số nhà khảo cổ cho rằng, trước đây trong những cuộc khai quật, các nhà nghiên cứu từng thu được nhiều mẫu vật là thóc thuộc văn hóa Đồng Đậu. Song, tất thảy chúng đều bị phong hóa và không có hạt thóc nào có thể “hồi sinh” như sáu hạt thóc lần này.

Lại có ý kiến khác nghi ngờ rất có thể những hạt thóc này được chuột tha đến tầng văn hóa được khai quật nọ, do đó những hạt thóc nảy mầm "tuổi tác" cũng không nhiều như vậy và có khả năng nảy mầm...

Bởi vậy, đông đảo giới khoa học, người dân đều chờ đợi sự lý giải của các cơ quan chuyên môn về hiện tượng kỳ lạ trên.

Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Quang Miên, trưởng phòng Thí nghiệm và xác định niên đại (thuộc Viện Khảo cổ) cho hay, có thể dùng phương pháp đồng vị carbon (C14) để xác định tuổi cổ vật. Nhưng phương pháp này chủ yếu được dùng để xác định tuổi cổ vật “đã chết,” tức là từ thời điểm không còn sự trao đổi chất. Vì vậy, với số thóc vẫn nảy mầm (vẫn tiến hành trao đổi chất) thì phương pháp này vẫn có sai số khá lớn.

Tuy nhiên, theo ông Miên, có thể căn cứ vào vật thể chứa số thóc đó như đất bao xung quanh để kết luận chính xác niên đại của số hạt thóc nói trên.

Còn ông Hàm thì cho hay, các hạt thóc này đang được chăm sóc cẩn thận và theo dõi kỹ lưỡng để giúp nó trổ bông, cho thu hoạch. Khi đó, Viện Di truyền nông nghiệp sẽ tiến hành giải trình tự gen của hạt thóc để đưa ra kết quả chính thức về niên đại của những hạt thóc này../.

Mạnh Trung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục