VFF hướng đến nền bóng đá "sạch" và chuyên nghiệp

Đại hội thường niên Nhiệm kỳ VI 2011 của VFF đã tập trung bàn thảo các vấn đề “nóng” đang được giới hâm mộ và dư luận quan tâm.
Ngày 4/11, Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức họp báo thông báo kết quả Đại hội thường niên Nhiệm kỳ VI 2011 của Liên đoàn diễn ra cùng ngày.

Tại đại hội lần này, chủ yếu tập trung bàn thảo các vấn đề “nóng” mà thời gian gần đây giới hâm mộ và dư luận cả nước quan tâm như: bàn về việc thành lập công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và thành lập Ban trọng tài.

Đại hội đã thẳng thắn nhìn nhận, mổ xẻ các vấn đề bất cập, hạn chế cũng như dư luận lên án “tiêu cực” trong bóng đá thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều vấn đề non yếu của bóng đá nước nhà vừa qua thì chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy.

Vấn đề tiêu cực thì mặc dù cần lên án, nhưng theo Liên đoàn bóng đá Việt Nam cho rằng vấn đề này còn khó khăn để xác định. Ví dụ, nói trọng tài “ăn tiền” thì ai là người đưa tiền? Và ai là người phát hiện? điều này chưa có chứng cứ và xác định rõ ràng.

Đại hội xoay quanh bàn thảo các điểm mạnh, điểm yếu của việc thành lập mô hình công ty cổ phần bóng đá. Để đáp ứng được yêu cầu thì cần phải có lộ trình như thế nào,  yếu tố pháp lý để được thành lập công ty.

Công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn bóng đá đều có thế mạnh, yếu khác nhau. Công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ có 1 chủ tịch Hội đồng quản trị và 1 giám đốc điều hành bên dưới. Còn mô hình công ty cổ phần thì các quyết định mang tính tập thể hơn, dân chủ và khách quan hơn, vì ngoài Chủ tịch Hội đồng quản trị còn có sự đóng góp của các thành viên và các câu lạc bộ.

Các cổ đông của công ty cổ phần chỉ được giới hạn quyền với mức cổ phần nhất định, không được chuyển nhượng ra ngoài, chỉ được chuyển nhượng khi thay đổi khi mô hình hoạt động câu lạc bộ đấy thay đổi như lên hạng hoặc xuống hạng. Đây cũng là điểm đặc thù so với một số mô hình công ty khác.

Hoạt động của công ty cổ phần bóng đá phải lấy mục đích phát triển bóng đá là chính, còn các lĩnh vực kinh doanh khác chỉ là thứ yếu và rất hạn chế. Các câu lạc bộ có trách nhiệm xây dựng phát triển, đào tạo bóng đá và cam kết làm trong sạch nền bóng đá nước nhà. Về phía công ty sẽ chia sẻ quyền lợi công bằng dựa trên sự đóng góp cho các câu lạc bộ, các thành viên để phấn đấu đưa V-League trở thành giải đấu mạnh. Từ đó chúng ta chọn ra được nhiều cầu thủ giỏi để cung cấp cho đội tuyển quốc gia vươn ra tầm thế giới.

Nếu mô hình công ty này ra đời sẽ hoạt động độc lập trong việc điều hành giải V-League. Còn Liên đoàn bóng đã sẽ kiểm soát về mặt chuyên môn. Theo lộ trình dự kiến, khoảng trung tuần tháng 11/2011 sẽ xin giấy phép thành lập. Trước mắt đang đợi Bộ Văn hóa Thế thao và Du lịch – Đơn vị chủ quản trả lời bằng văn bản đồng ý về mặt chủ trương trong những ngày tới. Sau đó các câu lạc bộ gửi hồ sơ tham gia, rồi trình Sở kế hoạch Đầu tư Hà Nội để thành lập. Đại hội cổ đông dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/11. Sau đó một ngày sẽ thông qua cơ cấu nhân sự. Đảm bảo cho công ty này sẽ điều hành giải bóng đá vô địch quốc gia mùa tới.

Việc thành lập Ban trọng tài cũng đang được xem xét và bàn bạc kỹ lưỡng. Theo đó, Ban trọng tài sẽ hoạt động độc lập, không thuộc Công ty cổ phần bóng đá. Chủ tịch Hội đồng trọng tài sẽ chọn người có tiêu chí am hiểu lĩnh vực trọng tài và không là thành viên các tổ chức liên quan đến Liên Đoàn bóng đá Việt Nam./.

Nguyễn Văn Cảnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục