WTO đánh giá cao sự thay đổi chính sách của VN

Sau 6 năm gia nhập, đây là lần đầu tiên Việt Nam tiến hành rà soát chính sách thương mại tại WTO. Việt Nam tiếp cận phiên rà soát chính sách thương mại với tinh thần cầu thị, minh bạch, sẵn sàng tiếp nhận mọi bình luận mang tính xây dựng đối với khung khổ pháp luật và môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Với tinh thần cầu thị, các thành viên đã đánh giá rất cao phiên rà soát chính sách thương mại của Việt Nam. Có 27 ý kiến phát biểu trong phiên khai mạc thì cả 27 ý kiến đều đánh giá cao những kết quả mà Việt Nam đạt được sau khi gia nhập WTO và đều coi Việt Nam là kinh nghiệm thành công của việc gia nhập.
Ngày 18/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ) về kỳ rà soát chính sách thương mại trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần đầu tiên của Việt Nam.
 
Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn:
 
 -Thứ trưởng có thể giới thiệu sơ lược về cơ chế rà soát chính sách thương mại của WTO, theo Thứ trưởng thì cơ chế này có ý nghĩa như thế nào với WTO và với thành viên được yêu cầu rà soát chính sách thương mại?
 
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Rà soát chính sách thương mại là cơ chế được quy định trong Hiệp định thành lập WTO năm 1995. Mục đích của cơ chế này là thông qua rà soát để tăng cường việc tuân thủ các quy tắc, luật lệ của WTO, tăng cường tính minh bạch và sự hiểu biết về chính sách và thực tiễn thương mại của các thành viên WTO, góp phần nhân rộng các điển hình tốt và ngăn chặn các xu hướng chính sách bất lợi cho hệ thống thương mại đa phương.

Đây là cơ hội để các thành viên WTO cùng nhau rà soát và đưa ra đánh giá về môi trường chính sách của một thành viên, giúp thành viên đó hoàn thiện chính sách của mình theo hướng ngày càng tuân thủ các quy tắc và luật lệ của WTO.
 
- Đây có phải là lần đầu tiên Việt Nam tiến hành rà soát chính sách thương mại của mình tại WTO? Khi nào thì chúng ta lại có phiên rà soát thứ hai?
 
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Theo quy định của WTO, các thành viên sẽ tiến hành rà soát chính sách thương mại định kỳ dựa trên tỷ trọng thương mại của thành viên đó trong thương mại thế giới. Việt Nam nằm trong nhóm thành viên có nghĩa vụ tiến hành rà soát chính sách thương mại 6 năm một lần.

Sau 6 năm gia nhập, đây là lần đầu tiên Việt Nam tiến hành rà soát chính sách thương mại tại WTO. Nếu tỷ trọng của Việt Nam trong thương mại thế giới không tăng lên thì 6 năm nữa ta sẽ tiến hành rà soát lần thứ hai. Nếu tỷ trọng trong thương mại thế giới tăng lên thì thời gian giữa 2 kỳ rà soát sẽ rút ngắn lại, 4 năm một lần hoặc 2 năm một lần.
 
- Các thành viên WTO đều cho rằng nghĩa vụ rà soát chính sách là nghĩa vụ rất nặng nề. Thứ trưởng có bình luận gì về nhận định này và trong lần rà soát chính sách thương mại đầu tiên này, Việt Nam có gặp thách thức gì không?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh:  Rà soát chính sách thương mại của WTO có phạm vi rất rộng, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, bao trùm toàn bộ hệ thống chính sách kinh tế và thương mại của một thành viên nên đòi hỏi thành viên đó phải hết sức nỗ lực mới có thể hoàn thành nghĩa vụ rà soát. Việt Nam đã mất hai năm để chuẩn bị cho phiên rà soát này.

Các Bộ, ngành đã phải thu thập và rà soát hàng ngàn trang văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược phát triển kinh tế, quy hoạch phát triển ngành .v..v và phối hợp với Ban Thư ký WTO hoàn thành bản Báo cáo 183 trang về chế độ chính sách thương mại của Việt Nam cũng như trả lời hơn 500 câu hỏi sau khi Báo cáo được luân chuyển tới các thành viên WTO. Đây thực sự là một nỗ lực rất lớn của Việt Nam.

- Thứ trưởng có thể chia sẻ những mong muốn và mục tiêu của Đoàn Việt Nam tại phiên rà soát chính sách thương mại lần này?
 
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Một số thành viên có thể e ngại rà soát chính sách thương mại bởi cho rằng đây là dịp để các thành viên khác phê phán những điểm chưa đạt trong thể chế kinh tế - thương mại của mình. Việt Nam không nghĩ như vậy. Việt Nam tiếp cận phiên rà soát chính sách thương mại với tinh thần cầu thị, minh bạch, sẵn sàng tiếp nhận mọi bình luận mang tính xây dựng đối với khung khổ pháp luật và môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam coi đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới, cho thế giới thấy chúng ta đã nghiêm túc như thế nào trong việc thực thi cam kết gia nhập WTO và hiện vẫn đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, bất chấp những khó khăn do khủng hoảng tài chính toàn cầu mang lại.
 
- Phiên rà soát chính sách thương mại của Việt Nam đã được các Thành viên WTO đón nhận như thế nào?
 
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Với tinh thần cầu thị, các thành viên đã đánh giá rất cao phiên rà soát chính sách thương mại của Việt Nam. Có 27 ý kiến phát biểu trong phiên khai mạc thì cả 27 ý kiến đều đánh giá cao những kết quả mà Việt Nam đạt được sau khi gia nhập WTO và đều coi Việt Nam là kinh nghiệm thành công của việc gia nhập. Các thành viên đều tỏ ra ấn tượng với sự thay đổi tích cực về môi trường chính sách của Việt Nam. Họ có nhiều bình luận, khuyến nghị mang tính xây dựng, đề nghị Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu, tăng cường thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước.
 
Một số ý kiến đề nghị mở cửa hơn nữa thị trường cho một số lĩnh vực dịch vụ cụ thể và thực thi tốt hơn nghĩa vụ thông báo chính sách thương mại cho WTO. Chúng tôi đã nghiêm túc ghi nhận các ý kiến này và đã có những trao đổi cởi mở, làm rõ nhiều vấn đề liên quan. Không khí chung là rất tích cực và các thành viên đều hài lòng với phiên rà soát chính sách thương mại của Việt Nam./.

Tố Uyên-Hoàng Long/Geneva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục