Kinh tế và chính trị cần xác lập mối quan hệ mới

Nền kinh tế thị trường các nhiệm vụ mới của hệ thống chính trị đòi hỏi phải xác lập được mối quan hệ mới giữa kinh tế và chính trị.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đình Hoan, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, đặc điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các nhiệm vụ mới của hệ thống chính trị đòi hỏi phải xác lập được mối quan hệ mới giữa kinh tế và chính trị trong các điều kiện lịch sử cụ thể ở Việt Nam.

Ông Hoan đã cho biết như vậy tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị” do Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2006-2010 và Học viện Báo chí-Tuyên truyền (Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức ngày 10/10, tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức nhằm phục vụ kịp thời cho việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh 91 và soạn thảo Văn kiện trình Đại hội XI của Đảng.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Giáo sư-Tiến sĩ Dương Xuân Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Báo chí-Tuyên truyền khẳng định quá trình hình thành và sự “chín” về tư duy đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam về mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, gắn liền với quá trình hình thành tư duy, nhận thức và đường lối đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam.

Theo ông Ngọc, sự nghiệp đổi mới được tiến hành từ đổi mới tư duy đến hoạt động thực tiễn, từ kinh tế, chính trị, đối ngoại đến tất cả các lĩnh vực của đời sống. Đổi mới tất cả các mặt của đời sống xã hội, nhưng không làm đồng loạt, dàn đều mà luôn có trọng tâm, trọng điểm theo một lộ trình thích hợp, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa ba nhiệm vụ: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hóa là nền tảng.

Trong những năm đầu của sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đổi mới kinh tế đi trước một bước, từng bước đổi mới hệ thống chính trị nhằm giữ vững ổn định chính trị, tập trung mọi nguồn lực phấn đấu đưa Việt Nam vượt qua khủng hoảng để phát triển.

Ông Ngọc nhấn mạnh: “Có thể khẳng định rằng, trải qua hơn 20 năm, tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới, đổi mới nền kinh tế và đổi mới chính trị đã chín dần theo thời gian và thực tiễn đổi mới. Việc nghiên cứu mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị mà trọng tâm là hệ thống chính trị cũng cần có sự phát triển và hoàn thiện nhằm phản ánh đầy đủ, sinh động thực tiễn đổi mới, đồng thời góp phần giúp Đảng hoàn thiện đường lối đổi mới và không ngừng nâng cao năng lực cầm quyền phù hợp với thực tiễn đổi mới và hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.”

Tại hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đình Hoan yêu cầu mới của mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị đòi hỏi hệ thống chính trị được tổ chức và hoạt động phù hợp với tính chất và trình độ của nền kinh tế thị trường, tuân thủ các quy tắc vận hành của cơ chế thị trường. Đồng thời phải có khả năng hoạch định đường lối, tạo khuôn khổ chính trị rộng lớn cho các quan hệ kinh tế phát triển.

Đề cập về mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, Giáo sư-Tiến sĩ Triết học Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng kinh tế và chính trị là hai lĩnh vực trọng yếu nhất của đời sống xã hội. Đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị cũng là những nội dung quan trọng và nổi bật nhất trong tiến trình đổi mới ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là một trong những mối quan hệ cốt lõi, không những thuộc về lý luận đổi mới, phát triển và hiện đại hóa xã hội mà còn là nội dung hợp thành lý luận chủ nghĩa xã hội Việt Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Các đại biểu tại hội thảo đã đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung xung quanh mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị, trong đó, Đảng, Nhà nước cần có chiến lược xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế-chính trị Việt Nam thống nhất, hài hòa nhiều yếu tố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục