Phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế hút vốn FDI

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hàng năm vốn FDI vào khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm từ 40-45% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước.
Trong phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương, các khu công nghiệp, khu kinh tế có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, mở rộng thị trường và tăng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, để các khu công nghiệp, khu kinh tế trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư; đặc biệt là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo các chuyên gia kinh tế cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Hấp dẫn nhưng chưa đáp ứng yêu cầu

Ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Trong 20 năm qua, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Tính đến đầu năm nay, cả nước có hơn 280 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập. Các khu công nghiệp, khu chế xuất này đã thu hút được hơn 4.300 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 64,8 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực hiện bằng 51% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hàng năm vốn FDI vào khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm từ 40-45% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước.

Thu hút vốn đầu tư vào khu kinh tế ven biển cũng đạt những kết quả khả quan. Tính đến nay, các khu kinh tế ven biển đã thu hút được 144 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 38,4 tỷ USD. Các dự án sản xuất kinh doanh trong khu kinh tế đã lấp đầy 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đã có những đóng góp ngày càng lớn vào việc nâng cao giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp. Tỷ trọng vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm tới 80% tổng vốn FDI đầu tư vào ngành công nghiệp cả nước. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp khu công nghiệp, khu kinh tế trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã tăng lên từ mức 20% năm 2005 và 25-30% trong những năm gần đây.

Khu công nghiệp, khu kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động. Tính đến nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã giải quyết việc làm cho khoảng 2 triệu lao động trực tiếp; trong đó, hơn 1,2 triệu lao động làm việc cho khu vực vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển, đặc biệt là thu hút FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế vẫn còn một số hạn chế. Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, nguyên nhân được xác định là khung pháp lý đối với việc quản lý, hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp vẫn còn chưa hoàn chỉnh. Các chính sách ưu đãi đầu tư phải thay đổi nhiều lần sau khi ban hành đã gây khó cho nhà đầu tư.

Mặt khác, chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia vào khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được xây dựng đồng bộ trong khi chương trình xúc tiến đầu tư của các địa phương thực hiện còn mang tính cục bộ; chưa thu hút các dự án đầu tư có ngành nghề, hàm lượng công nghệ cao, phù hợp cho sự phát triển. Nhiều tỉnh, thành trong khu vực cạnh tranh nhau trong từng dự án FDI. Cả kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp cũng như tay nghề công nhân thấp cũng là yếu tố cản trở thu hút đầu tư…

Hiện nay, các địa phương và chủ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp vẫn ưu tiên tập trung thu hút đầu tư lấp đầy khu công nghiệp, chưa thực sự chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, công nghệ, yếu tố môi trường của các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế. Mặt khác, tính liên kết ngành của các doanh nghiệp, công nghiệp phụ trợ trong các khu công nghiệp, khu kinh tế còn yếu. Vấn đề bảo vệ môi trường khu công nghiệp tuy đã được cải thiện, song một số khu công nghiệp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật về môi trường.

Nỗ lực thu hút đầu tư

Hiện nay có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế. Thời gian tới, dự kiến khả năng làn sóng đầu tư vào đây sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Chính vì thế, các khu công nghiệp, khu kinh tế phải có bước chuẩn bị tốt để đón nhận cơ hội thu hút đầu tư này. Cục trưởng Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng khẳng định như vậy.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh thu hút vốn FDI vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian tới, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, trước mắt, chúng ta cần xây dựng, triển khai quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo hướng xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng.

Đối với các khu kinh tế, trong thời gian tới cần có cơ chế huy động tổng hợp các nguồn vốn (ODA, FDI, ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ) và nhiều hình thức đầu tư (trực tiếp, gián tiếp, BT, BOT, PPP…) để tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong các khu kinh tế để tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển.

Đồng tình với những quan điểm trên, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, ông Vũ Đại Thắng cũng cho rằng, các khu công nghiệp, khu kinh tế cần tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; đồng thời, tăng cường tính liên kết ngành; hình thành các khu công nghiệp liên kết ngành nhằm tăng lợi thế cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp.

Tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường trong các khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với việc xử lý vi phạm một cách kiên quyết, dứt điểm cũng được các chuyên gia trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường đề cập đến. Một vấn đề nữa là cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm cải thiện điều kiện lao động, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Ý kiến của nhiều địa phương cho rằng, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong cải cách thủ tục hành chính. “Chúng tôi thực hiện đi trước một bước về đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng cho khu kinh tế, khu công nghiệp. Tỉnh vận dụng chính sách của địa phương linh hoạt, sáng tạo. Chính sách hỗ trợ của tỉnh trải đều từ khâu chuẩn bị đầu tư đến xúc tiến quảng bá sản phẩm,” ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cho biết.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hiện hành về khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền từ Trung ương tới địa phương, gắn chặt với cơ chế phân công trách nhiệm và phối hợp rõ ràng, minh bạch giữa các cơ quan Trung ương và địa phương; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước ở cấp Trung ương và địa phương nhằm đảm bảo đủ thẩm quyền và nguồn lực để quản lý cũng là một trong những giải pháp cần thực hiện để phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian tới./.

Thúy Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục