Nhật chi hơn 10 tỷ USD xử lý phóng xạ tại Fukushima

Nhật Bản dự kiến sẽ dành hơn 10 tỷ USD cho một phần hoạt động làm sạch các khu vực bị nhiễm xạ bên ngoài Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tại tỉnh Fukushima. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ sử dụng công quỹ cho một phần hoạt động làm sạch các khu vực bị nhiễm xạ bên ngoài Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 mà tổng số tiền có thể lên tới 1.000 tỷ yen (hơn 10 tỷ USD).

Đây có thể là một thay đổi chính sách đối với công tác xử lý dự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau sự cố Chernobyl (1986) ở Ukraine.

Kế hoạch trên nằm trong đề xuất của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền biên soạn một ngày trước khi bắt tay vào thúc đẩy tiến độ phục hồi chậm chạp từ cuộc khủng hoảng hạt nhân và hứa hẹn sẽ giúp giảm bớt gánh nặng mà Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đang phải đối mặt hiện nay.

TEPCO được cho là vẫn phải chi tới 3.000 tỷ yen vì chính phủ không có ý định miễn việc chi trả phí khử xạ của công ty này mà nhà nước và chính quyền địa phương đã lên kế hoạch.

Về phần mình, Chính phủ dự kiến sẽ sử dụng công quỹ để bù đắp thêm cho các nhu cầu khử xạ để khôi phục cơ sở hạ tầng như làm sạch các trường học, công viên và các khu vực công khác bị cách ly và hoang hóa sau khi người dân sơ tán khỏi nơi cư trú trong thời gian xảy ra thảm họa.

Tokyo cũng sẽ sử dụng ngân sách để xây dựng các cơ sở tích trữ tạm thời để bảo quản đất nhiễm xạ và các loại rác phát sinh trong quá trình dọn dẹp.

Bộ Môi trường Nhật Bản đã dành tổng cộng 1.500 tỷ yen liên quan đến hoạt động khử xạ trong tài khoá 2013 và đề nghị TEPCO trả 40 tỷ yen. Tuy nhiên, TEPCO mới chỉ chi được 6,7 tỷ yen với lý do chậm trễ trong công tác hành chính và tình hình kinh doanh khó khăn của công ty hiện nay.

TEPCO đang phải vật lộn trong khó khăn do tăng nhập khẩu nhiên liệu để sản xuất nhiệt điện nhằm bù đắp cho thiếu hụt điện hạt nhân. Công ty này cũng cần ngân sách để bồi thường cho người dân và các công ty bị tác động bởi khủng hoảng cũng như dỡ bỏ các lò phản ứng tại Nhà máy Fukushima./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục