Biến đổi khí hậu đe dọa nguồn cung hải sản toàn cầu

Biến đổi khí hậu làm suy thoái nghiêm trọng phân bố nguồn cá và các môi trường sống ven biển do tác động của nước biển nóng lên.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 19/6, tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã công bố nghiên cứu “Những quan sát trực tiếp về biến đổi khí hậu và sự bền vững của hệ sinh thái biển lớn,” cảnh báo các hiểm họa từ biến đổi khí hậu đối với môi trường sống ở biển và đại dương trên thế giới cũng như nguồn cung hải sản toàn cầu.

Nghiên cứu nêu rõ biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa trực tiếp cuộc sống của hàng tỷ người trên Trái Đất hiện sống phụ thuộc vào nguồn thu nhập hàng năm trị giá 12 nghìn tỷ USD từ các hệ sinh thái biển lớn (LME).

Hiểm họa đang tăng lên và tác động của biến đổi khí hậu đến các đại dương đòi hỏi thế giới đầu tư khẩn cấp vào nền kinh tế xanh để đáp ứng nhu cầu của người dân, trong đó các nước vừa đạt được các mục tiêu phát triển vừa đảm bảo bền vững của môi trường.

Nghiên cứu đã phát hiện những thay đổi lớn và nghiêm trọng trong phân bố nguồn cá và sự suy thoái nghiêm trọng của các môi trường sống ven biển do tác động của nước đại dương nóng lên.

Phần lớn các đàn cá mòi ở Tây Phi đã di chuyển khỏi các ngư trường truyền thống và hiện trạng này làm Tây Phi mất đi nguồn cung cấp protein quan trọng.

Nguồn cá mòi và cá thu ở Tây Bắc Phi cũng đã di chuyển khỏi ngư trường truyền thống ở Bắc Senegal để tới vùng nước lạnh hơn ở ngoài khơi Moritani. Cá mòi và cá thu ở Tây Nam châu Phi đang chuyển khỏi ngư trường truyền thống ở Namibia tới vùng nước lạnh hơn của khu vực Nam Phi.

Ở châu Á, an ninh lương thực của hàng triệu người Ấn Độ sống ở ven Vịnh Bengal bị đe dọa nghiêm trọng do sản lượng đánh bắt cá bị suy giảm mạnh vì lượng mưa tăng làm giảm hàm lượng muối trong nước biển ở vịnh này khiến lượng dinh dưỡng nuôi các nguồn hải sản bị suy giảm.

Nghiên cứu của UNDP cũng nhấn mạnh các nguy cơ khác của biến đổi khí hậu bao gồm nước biển dâng cao, nạn xói mòn bờ biển, tác động tiêu cực của khí thải cacbonic (CO2) làm tăng độ axít ở các vùng nước LME trên thế giới.

Để chống lại các tác động nguy hại của biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức “Tiện nghi môi trường toàn cầu” (GEF) đã huy động nguồn vốn bốn tỷ USD để khôi phục và duy trì nguồn lợi và các dịch vụ của LME ở hơn 100 nước châu Phi, châu Á, châu Âu và Mỹ Latinh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục