Hợp tác cho phát triển

Các nước châu Á-TBD tăng hợp tác cho phát triển

Để châu Á phát triển bền vững, giải quyết được vấn đề an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, cần có sự nỗ lực hợp tác của toàn khu vực.
Để châu Á phát triển bền vững và vượt qua các thách thức về an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và xóa đói giảm nghèo cần có sự nỗ lực hợp tác của toàn khu vực.

Kỳ họp thứ 67 của Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) đã khai mạc ở thủ đô Bangkok của Thái Lan với sự tham gia của các quan chức cao cấp 60 nước châu Á-Thái Bình Dương nhằm tăng cường hợp tác về chương trình bảo vệ xã hội và thúc đẩy các ưu tiên phát triển khu vực.

Tại kỳ họp, các đại biểu tập trung thảo luận các thách thức lớn nhất khu vực đang phải đối mặt là khả năng châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao trong điều kiện nhấn mạnh nhân tố xã hội trong phát triển.

Việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững đang mở ra những thách thức và cơ hội mới, chỉ có thể thực hiện nhờ hành động tập thể để tạo ra mô hình tăng trưởng kinh tế mới mang tính phổ quát toàn khu vực.

Mô hình tăng trưởng kinh tế mới trong bối cảnh dư chấn khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn tồn tại dai dẳng, quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh và dòng người di cư vẫn tiếp tục, cần những cam kết mới của các chính phủ trong khu vực để thúc đẩy bảo vệ xã hội nhằm đảm bảo lợi ích của tăng trưởng kinh tế tới mọi người dân.

Phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế mới mang tính phổ quát chỉ thành công trên nền tảng xã hội ổn định, nhưng cũng mở ra cơ hội chưa từng thấy để các nước tận dụng nhằm vượt qua các thách thức về an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, những ưu tiên mới và những thách thức mới cần sự nỗ lực hợp tác của toàn khu vực.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Thư ký chấp hành UNESCAP, Tiến sỹ Noeleen Heyzer cho rằng mặc dù các nền kinh tế đang phát triển châu Á-Thái Bình Dương đã giúp ổn định phục hồi kinh tế toàn cầu, nhưng các thách thức mới đang đe dọa làm chậm tiến trình khu vực đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Giá lương thực và nhiên liệu tăng cao ở nhiều nước trong khu vực cùng với dư chấn khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây đã gây ra tình huống khẩn cấp mới đối với toàn khu vực, đặc biệt là cần phải tăng cường bảo vệ xã hội như là một hình thức đầu tư phát triển kinh tế xã hội và phương tiện hiệu quả để xoá đói nghèo và bất bình đẳng.

Các nước châu Á-Thái Bình Dương không chỉ đơn thuần đối phó với những thách thức mà còn cần biến sức mạnh của mỗi nước thành sức mạnh tập thể toàn khu vực để cân bằng trật tự kinh tế và xã hội, phát triển lập trường chung và giải pháp chung của khu vực về các vấn đề toàn cầu, thu hẹp sự phát triển không đồng đều giữa các nước cũng như sử dụng bền vững nguồn tài nguyên vốn là quà tặng của Trái Đất cho nhân loại.

Bà N.Heyzer nhấn mạnh thông qua hợp tác, các nước châu Á-Thái Bình Dương có thể định hình các nguồn sức mạnh để phục hồi và tăng trưởng kinh tế, phát triển nhân lực, tăng cường các cam kết xã hội và bảo vệ xã hội như là nền tảng phát triển của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục