Tái canh càphê để tránh sụt giảm đột biến sản lượng

Tái canh càphê đang được xem là vấn đề cấp thiết, nhằm thúc đẩy ngành càphê phát triển theo hướng sản xuất và kinh doanh bền vững.
Nâng cao chất lượng, phát triển càphê theo hướng bền vững là những nội dung quan trọng được quan tâm tại hội nghị “Đánh giá chương trình tái canh càphê năm 2012, phương hướng và giải pháp trong thời gian tới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, phối hợp tổ chức ngày 16/10, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Theo báo cáo, chỉ trong gần hai thập niên qua, Việt Nam từ một nước sản suất càphê chưa được biết đến đã vươn lên vị trí thứ hai về sản lượng càphê cung cấp cho thị trường thế giới, “dẫn đầu” về càphê vối (Robusta).

[Giá càphê trong nước giảm mạnh khi sang vụ mới]

Cụ thể, năm 1961 diện tích càphê cả nước mới chỉ đạt khoảng 21.000ha, nhưng đến năm 2011 đã đạt trên 570.000ha, năng suất 21,9 tạ/ha, sản lượng đạt 1.167,9 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,69 tỷ USD. Đây là bước tiến vượt bậc của ngành càphê, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp những năm qua.

Tuy nhiên, ngành càphê Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có việc nâng cao chất lượng và tính bền vững. Tái canh càphê đang được xem là vấn đề cấp thiết, nhằm thúc đẩy ngành càphê phát triển theo hướng sản xuất và kinh doanh bền vững thời gian tới.

Cũng theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh trồng càphê trọng điểm ở Tây Nguyên, diện tích càphê trên 20 năm tuổi cần phải tái canh đến năm 2020 là khoảng 200.000ha.

Tiến sỹ Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng đây là vấn đề lớn và có rất nhiều khó khăn, cần phải có kế hoạch và giải pháp tốt để trồng tái canh càphê có hiệu quả, tránh gây ra sự giảm sút đột biến về sản lượng trong những năm tới.

[Sản lượng càphê Việt Nam sẽ giảm còn 1,3 triệu tấn]

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng đã chỉ ra những hạn chế và tồn tại chung của ngành sản xuất càphê Việt Nam như quy mô phát triển chưa ổn định; diện tích càphê già cỗi chiếm tỷ lệ cao (càphê trên 20 năm hiện có trên 86.000ha, chiếm 17,3% tổng diện tích càphê).

Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng càphê còn hạn chế; chưa hình thành các tổ chức liên kết trong sản xuất càphê, nhất là trong sản xuất nông hộ, thiếu sự điều phối giữa các tác nhân trong ngành.

Ngoài ra, chi phí vật tư đầu vào, công lao động và nước tưới lớn, giá thành càphê còn cao; công tác thu hái càphê lẫn càphê xanh, chế biến còn bất cập, chưa phân loại càphê trước khi xuất khẩu. Đây là những nguyên nhân khiến chất lượng càphê xuất khẩu chưa cao, khả năng cạnh tranh của ngành càphê Việt Nam còn hạn chế.

Để khắc phục tình trạng trên, hội nghị nêu lên những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, tính bền vững của cây càphê trong thời gian tới, như tiếp tục triển khai Dự án phát triển giống càphê; chuyển giao nhanh các giống càphê vối và càphê chè có năng suất, chất lượng cao, đã được Bộ công nhận cho các địa phương Tây Nguyên làm giống đầu dòng; tăng cường kiểm tra chất lượng cây càphê, xử lý “mạnh” những cơ sở nhân giống không đủ điều kiện.

Đối với kỹ thuật canh tác cần khuyến khích mở rộng thực hiện các chương trình sản xuất càphê có chứng nhận như càphê Utz, 4C, Raniforest Alian, VietGAP, Global GAP; đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác giữa các hộ dân, giữa các hộ dân với cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần hướng dẫn nông dân trồng càphê tái canh, không để tình trạng trồng tự phát; trồng cây che bóng, thu hoạch đúng kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng càphê; đồng thời chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá nâng cao vị thế và sức cạnh trạnh của càphê Việt Nam trên thị trường quốc tế./.

Đặng Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục