"Robocon Việt Nam đứng nhì cũng là thất bại"

Trưởng đoàn Robocon Việt Nam khẳng định vị trí thứ 2 cũng sẽ là thất bại của đội tuyển Việt Nam tại ABU Robocon Contest 2009.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Cuộc thi Robot châu Á-Thái Bình Dương (ABU Robocon Contest) 2009, khẳng định quyết tâm của đoàn giành chức vô địch tại cuộc thi này.

"Chúng tôi sẽ cố gắng nối tiếp truyền thống của các đội tuyển Robocon Việt Nam trước đây và giành chức vô địch tại ABU Robocon Contest 2009. Vị trí thứ 2 cũng là thất bại của chúng tôi tại giải này".

Ngày 20/8, đội tuyển Robocon Việt Nam, gồm 5 giáo viên và 6 sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, đã tới thủ đô Tokyo, Nhật Bản để tham dự Cuộc thi ABU 2009 do Hiệp hội Phát thanh-Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương tổ chức.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn TTXVN xung quanh cuộc thi.

Xin ông có thể cho biết công tác chuẩn bị của đội tuyển Robocon Việt Nam cho cuộc thi lần này?

TS Đỗ Văn Dũng: Thời gian chuẩn bị cho cuộc thi lần này của đội Robocon Việt Nam rất ngắn. Mặc dù hôm nay (20/8), đội tuyển Robocon Việt Nam mới tới thủ đô Tokyo nhưng theo quy định của Ban Tổ chức ABU Robot Contest 2009, các đội phải gửi robot sang Nhật Bản trước ngày 15/7/2009.

Như vậy, thời gian từ lúc đội Robocon của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đoạt chức vô địch Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam năm 2009 cho đến khi phải gửi robot sang Nhật Bản là chưa đầy một tháng. Chúng tôi sợ rằng chế tạo robot mới thì không kịp. Và nếu làm robot mới, chúng tôi sợ rằng robot này không chạy ổn định. Vì vậy, chúng tôi đã thành lập 2 nhóm ở trường gồm: nhóm chế tạo robot mới và nhóm cải tiến robot vô địch Việt Nam để nâng cao thành tích thi đấu.

Theo thông tin chúng tôi có được, đội Việt Nam không ngại bất cứ đội nào ở giải này. Chủ đề của giải Robocon khu vực lần này do Nhật Bản đưa ra đơn thuần là đi sâu vào mặt kỹ thuật, tức là không có cản phá. Đội vô địch Nhật Bản đã giành thắng lợi với kết quả 32 giây. Đội vô địch Thái Lan có kết quả 35 giây. Chỉ có đội Trung Quốc là đáng ngại. Đội Trung Quốc hiện là đội mạnh ở khu vực.

Hai năm liền, đội Trung Quốc đã vô địch ở cả Việt Nam và Ấn Độ. Đội vô địch Trung Quốc năm nay có kết quả 18 giây. Tuy nhiên, với chủ đề của cuộc thi năm nay, robot chạy càng nhanh, độ ổn định càng thấp. Bài toán hóc búa đối với các đội là làm thế nào hài hòa giữa tốc độ và sự ổn định. Tỷ lệ thành công của Trung Quốc khoảng 70%, tức là trong 10 lần thì có 7 lần hoàn thành cuộc thi với kết quả 18 giây; 3 lần còn lại robot vẫn bị đụng cột.

Về phía đội Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian hoàn thành cuộc thi xuống còn từ 15 đến 16 giây. Tuy nhiên, tôi đã chỉ đạo các em cần phải cân bằng giữa tốc độ và sự ổn định bởi vì, độ bám của mặt sân thi đấu ở Nhật Bản khác với độ bám ở sân Việt Nam.

Chúng ta không có chất liệu mặt sân thi đấu ở Nhật Bản. Dù chạy ở nhà như vậy nhưng sang Nhật Bản, nếu cho robot chạy nhanh, trong khi độ bám của mặt sân không cao, robot có thể bị trượt. Vì vậy, chúng tôi chỉ giữ kết quả thi đấu ở mức từ 20 - 22 giây.

Tôi cho rằng với kết quả đó, chúng tôi sẽ nằm trong số 4 cường quốc tham dự cuộc thi Robocon châu Á-Thái Bình Dương. Đến nay, chỉ có Nhật Bản và Việt Nam là hai đội đã từng giành 3 chức vô địch tại ABU Robocon Contest. Trung Quốc mới chỉ giành 2 chức vô địch tại giải này.

Xin ông có thể cho biết những khó khăn của đội tuyển Việt Nam tại giải Robocon châu Á-Thái Bình Dương 2009?

TS Đỗ Văn Dũng: Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi tham dự giải này. Khó khăn thứ nhất đó là vấn đề thời gian. Như tôi đã nói ở trên, chúng tôi có thời gian chuẩn bị quá ngắn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng gặp khó khăn về mặt kinh phí. Một số đội cử sang Nhật Bản một đội tuyển có tới 40-50 thành viên, trong đó số người đi theo hỗ trợ rất lớn.

Đối với đội tuyển Robocon của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi vô địch Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2009, đội nhận được số tiền thưởng 150 triệu đồng từ Ủy ban Nhân dân và Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh; và 30 triệu đồng từ Công ty Phần mềm FPT.

Ngoài ra, Công ty Tư vấn G.A. Nhật Bản tài trợ toàn bộ trang phục thi đấu cho đội tuyển. Tuy nhiên, số tiền này không đáng kể so với chi phí cho đội tuyển sang Nhật Bản thi đấu. Mặc dù đội tuyển Robocon Việt Nam sang Nhật Bản có 11 thành viên nhưng Ban Tổ chức ABU Robocon Contest 2009 chỉ tài trợ kinh phí cho 4 thành viên của đội, gồm 3 sinh viên và 1 giáo viên hướng dẫn.

Mặt khác, nếu muốn làm robot tốt, chúng tôi phải đầu tư để mua sắm linh kiện và thiết bị mới. Chúng tôi thiếu các cảm biến hiện đại để gắn vào các robot. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn, chúng tôi đã sử dụng các cảm biến cũ để chế tạo robot. Trong các năm gần đây, mặc dù sử dụng các cảm biến cũ, đội Việt Nam vẫn vô địch 3 giải khu vực. Điều này đã gây ngạc nhiên cho nhiều người.

Ông có thể cho biết mục tiêu của đội tuyển Việt Nam tại giải Robocon lần này?

TS Đỗ Văn Dũng: Chúng tôi sẽ cố gắng nối tiếp truyền thống của các đội tuyển Robocon Việt Nam trước đây và giành chức vô địch tại ABU Robocon Contest 2009. Vị trí thứ 2 cũng là thất bại của chúng tôi tại giải này.

Tuy nhiên, cuộc thi Robocon phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tâm lý và sân bãi. Bản thân nước chủ nhà cũng tạo ra những lợi thế riêng cho mình.

Chẳng hạn, sáng nay, khi đội tuyển Việt Nam sang Nhật Bản, Ban Tổ chức ABU Asia-Pacific Robot Contest 2009 mới bất ngờ thông báo rằng các đội tuyển không được sử dụng ắcquy axít chì. Trong khi đó, chúng tôi đã thiết kế robot và hộp để ắcquy trên cơ sở khối lượng của ắc quy và các chỉ số kỹ thuật của loại ắcquy này. Bên cạnh đó, chúng tôi không có thông tin về độ bám của mặt sân. Đây là những khó khăn lớn mà chúng tôi phải vượt qua để giành mục tiêu cuối cùng là chức vô địch cuộc thi này./.

Thanh Tùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục