Kể chuyện bằng thơ Đường Hồ Chí Minh trên biển

Đại tá Khưu Ngọc Bảy là người viết nên bản trường ca tựa đề “Bến cảng giữa rừng”  về những người lính trên đoàn tàu không số.
Với Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Đoàn 962 anh hùng, mọi người thường biết đến ông như một cựu chiến binh - phó chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, nhưng ít ai biết ông còn là một nhà thơ - chiến sỹ đã ra mắt đọc giả nhiều tập thơ.

Trong đó tập thơ thứ tư chủ đề “Thơ và Người Lính” có trường ca tựa đề “Bến cảng giữa rừng” ông viết về những người lính đoàn tàu không số, về những người lính của trung đoàn 962 và tấm lòng kiên trung của quân dân Đất Mũi Cà Mau đã bí mật, tiếp nhận, vận chuyển vũ khí cho chiến trường Nam Bộ.

Kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, cả nước tự hào, xúc động nhớ về Đoàn tàu đã đi vào huyền thoại, riêng người cựu chiến binh của Đoàn tàu không số Đại tá Khưu Ngọc Bảy không có ngày ngơi nghỉ.

Ông liên tục được mời họp mặt truyền thống, giao lưu tuyền hình trực tiếp tại Cần Thơ, dự lễ kỷ niệm tại thành phố Hải Phòng , tham dự khách mời Cầu truyền hình kỷ niệm niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển ( 23/10/1961 - 23/10/2011) vào tối 23/10 tại Cà mau.

Dành chút thời gian ít ỏi giữa hai chuyến đi, Đại tá Khưu Ngọc Bảy nói về sự kiện cảm động thôi thúc nhà thơ viết nên trường ca “Bến cảng giữa rừng."

Đó là khi chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu thân 1968, bốn con tàu mang ký hiệu 43, 56, 235, 165 của Lữ đoàn 125 được lệnh xuất phát, chở hàng vào Nam, trong đó có tàu 165 chở hàng về bến Vàm Lũng (Cà Mau).

Tàu do thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm cùng 17 cán bộ, thủ thủy trên tàu. Như những chuyến đi trước, tàu đi qua Hoàng Sa, Trường Sa, xuôi về phía Nam theo dòng tàu buôn nước ngoài trên vùng biển hải phận quốc tế, lúc này tàu đã bị địch theo dõi.

Đến vùng biển Cà Mau, tàu chuyển hướng vào bến, khi còn cách cửa biển Bồ Đề 20 hải lý thì bị tàu địch bao vây. Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm bình tĩnh, mưu trí cùng anh em quyết tâm vượt qua vòng phong tỏa của địch.

Lúc này, thông tin giữa tàu và Sở chỉ huy và bến vẫn giữ liên lạc tốt. Mọi phương án đón tàu ở bến được chuẩn bị chu đáo, kể cả trong “trường hợp xấu nhất,” bến sẵn sàng “chia lửa” với tàu.

Sau đó tình hình xấu đi, máy bay địch lượn nhiều, chúng báo động và tàu 165 đã bị rất đông tàu giặc bao vây giữa biển khơi. Trên bờ, lúc này ai cũng ngóng ra biển, ai cũng căng mắt lo âu...

Nhưng do chiến đấu không cân sức, biết không thể thoát được, thuyền trưởng xin lệnh cấp trên cho thủy tàu không để rơi vào tay giặc.

"Đó là vào đêm 29/2, rạng ngày 1/3/1968. Chừng hơn một giờ sáng, phía ngoài khơi nhiều ánh lửa và đường đạn vạch lên trời... Chúng tôi thấy những tia chớp và một cột lửa lớn vọt lên kèm theo tiếng nổ lớn giữa biển khơi xa...

Chúng tôi được lệnh bám biển, trên bến vẫn huy vọng và chờ đợi có anh em rời tàu sớm còn sống, nhưng ngày hôm sau rồi hôm sau nữa anh em chia nhau đi dọc theo bờ biển tìm đón, hoặc thi thể anh em thủy thủ hoặc một di tích nào đó trôi dạt vào bờ, nhưng nhiều ngày qua vẫn không chút tâm hơi… Con tàu 165, thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm và 17 thủy thủ đoàn đã vĩnh viễn không bao giờ trở lại, các anh đã hóa thân vào lòng biển mênh mông…

Chúng tôi ngồi trên bãi biển và chỉ biết khóc: 'Nước triều lên vàm Lũng lại dâng đầy/ Có con tàu chiều nay vĩnh viễn không về bến/ Anh ngồi khóc và anh lần tay nhẩm/ Chép vào lòng tên những bạn bè anh…'"

Trường ca gồm 3 chương nói về bối cảnh bến Cà Mau nhận nhiệm vụ trực tiếp nhận vũ khí; chương mở đường chuyển hàng đi tới những chiến trường và chương cuối viết về tình cảm của quân dân bến Cà Mau với những anh hùng đã huy sinh trên chiếc tàu 165.

Nhà thơ cho biết: "Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi chỉ ghi lại cảm xúc không nghĩ là tác phẩm trọn vẹn: 'Anh đắp lên giữa rừng những nấm mộ vô danh? Trên bùn nhão viết tên đồng đội/ Trong vốc nước mặn tê đầu lưỡi/ Ngỡ có máu bạn bè chảy về tận nơi đây.'"

Và đến khổ thơ cuối nhà thơ viết: “ Nếu anh còn qua hết cuộc chiến tranh này/ Anh sẽ gói phù sa mang về khắp trong Nam, ngoài Bắc/ Những người ngả xuống vì Tổ Quốc/ Chẳn thể nào vô danh.”

Và đúng như tâm nguyện nhà thơ Khưu Ngọc Bảy đã viết trong trường ca, nay dù đã ở tuổi 75, sống trong hòa bình, cuộc sống thành đạt, hạnh phúc bên gia đình nhưng ông vẫn không ngơi nghĩ, vẫn không quên dự tính và tổ chức đi thăm đồng đội, thăm lại chiến trường xưa, vận động quyên góp lo đời sống, giúp xây dựng nhà tình nghĩa cho những đồng đội, viết tư liệu, làm thơ, tham dự họp mặt, hội thảo…

Ông vẫn đau đáu về nơi đã khắc sâu trong trái tim ông bao nhiêu tình cảm, gắn bó hy sinh cùng đồng đội, về những vùng quê một thời đạn bom nặng nghĩa, nặng tình không thể phai mờ: “Biển lại đầy và biển lại vơi/ Đất trôi lở rồi đất bồi thêm bãi/ Đồng đội ơi! Rạch Gốc còn đợi đấy/ Dù đi đâu xin một chuyến quay về!”...

Tiếp chuyện chúng tôi nhà thơ chiến sỹ Khưu Ngọc Bảy không nói về chuyện làm thơ mà nói nhiều đến điều làm ông trăn trở, đó là người ta nói nhiều, viết nhiều về những chuyến đi của những đoàn tàu không số nhưng với ông thì cả 4 bến tiếp nhận vũ khí hàng hóa ( gồm bến Bà Rịa, bến Bến Tre, bến Trà Vinh, bến Cà mau) như những tay chân trong cơ thể của con Đường Hồ Chí Minh trên biển không thể tách rời: “Mến yêu sao miền biển của ta/ Ngững Khai Long Rạch Gốc, Rạch Già/ Đây Bồ Đề, Kiến Vàng, Vàm Lũng/ Những vàm sông chỡ ngập phù sa”...

Chỉ tính riêng bến Cà Mau trong hơn 14 năm chiến tranh ác liệt đã có tới hàng trăm thương binh, liệt sỹ. Chúng ta làm gì, lấy gì bù đấp cho khi còn cả ngàn đồng đội, gia đình, thân nhân của họ hiện đang sống trong khó khăn ngay trên mãnh đất họ đã từng hy sinh, bí mật bảo vệ an toàn tuyệt đối cho “Bến cảng giữa rừng.”

Trong tổng số 4.294 tấn vũ khí tiếp nhận từ 76 chuyến tàu của cụm bến Cà Mau, thì riêng 2 bến Vàm Lũng, Kiến Vàng tiếp nhận 68 chuyến và tổ chức chuyển về tổng kho an toàn, góp phần đáng kể cho ngày toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Theo đánh giá của một số bạn văn thân thiết, thơ của Khưu Ngọc Bảy lạ về thi pháp, đẹp và giản dị về ngôn từ, rất giàu cảm xúc và hình tượng về con đường vận tải vũ khí trên biển, đậm đà nhất là tình cảm gắn bó quân dân các bến bãi.

Thơ của ông là những xúc cảm thật xuất phát từ một cuộc đời từng trải và trái tim nồng nàn lòng yêu đất nước quê hương. Riêng về trường ca “Bến cảng giữa rừng,” nhà Thơ Nguyễn Bá nhận xét: “Trường ca cách mạng mang đậm chất sử thi vì nó được kết tập khí phách anh hùng và tình yêu dân tộc. Trên bản đồ Cà Mau mới, Vàm Lũng hầu như không còn, nhưng trong trái tim người trung đoàn trưởng trung đoàn 962 thì địa danh này là bến bãi của ý chí kiên cường, sáng ngời trí tuệ, vinh quang và anh hùng, là bến cảng của lòng quân dân Cà Mau thành đồng Tổ quốc. Trường ca 'Bến cảng giữa rừng' và nhà thơ là máu thịt của nhau… cho người đọc cảm thụ được những bến bãi sâu thẳm trong tâm hồn người lính thủy.”

Thật vậy, những con tàu vượt trùng khơi vào Nam ra Bắc từng một thời như là nhịp thở của đời nhà thơ chiến sỹ - Đại tá Khưu Ngọc Bảy, cho nên không riêng về trường ca “Bến cảng giữa rừng” mà hầu hết thơ của ông đều mang hơi hướng anh hùng ca và tình ca của người lính biển.

Và có lẽ, ở Nam Bộ, Khưu Ngọc Bảy là người duy nhất kể chuyện bằng thơ về Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Nhà thơ góp phần làm cho sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc trở nên có sức sống riêng đi vào lòng người và sống mãi cùng nền thi ca cách mạng./.

Trần Khánh Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục