Việt Nam dự diễn đàn LHQ về các vấn đề dân tộc

Trong 2 ngày 12 và 13/11, đoàn đại biểu Việt Nam đã dự Diễn đàn lần thứ hai của Liên hợp quốc về các vấn đề dân tộc ở Geneva (Thụy Sĩ).
Diễn đàn lần thứ hai của Liên hợp quốc về các vấn đề dân tộc đã diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) trong 2 ngày 12 và 13/11.

Đoàn đại biểu Việt Nam gồm đại diện Ủy ban Dân tộc và Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức khác tại Geneva đã tham dự diễn đàn.

Diễn đàn lần này tập trung thảo luận 6 chủ đề lớn, khuôn khổ nhân quyền khu vực và quốc tế về các nguyên tắc đối với quyền của người thiểu số được tham gia hoạt động chính trị có hiệu quả; những cản trở đối với sự tham gia chính trị của người thiểu số; các điều kiện cần có để có sự tham gia chính trị có hiệu quả; những thực tế và kinh nghiệm, cơ chế hiện có giúp những người thiểu số tham gia chính trị; tác động của hệ thống bầu cử và cơ chế hiện có giúp người thiểu số tham gia chính trị và những biện pháp cụ thể để thực hiện đầy đủ sự tham gia chính trị của người thiểu số và xây dựng năng lực cho người thiểu số tham gia có hiệu quả.

Phát biểu tại diễn đàn, đại diện đoàn Việt Nam, ông Trần Văn Thuật, Vụ trưởng Vụ các chính sách dân tộc của Ủy ban Dân tộc, nêu rõ Việt Nam rất coi trọng chính sách đảm bảo các quyền bình đẳng của tất cả các nhóm sắc tộc và coi đó như một nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chính sách này được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội và đã được đưa vào luật của Việt Nam.

Ông Trần Văn Thuật cũng đề cập đến những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc đề ra các luật pháp và thiết lập các bộ máy nhằm tạo điều kiện cho người thiểu số tham gia chính trị.

Ông Trần Văn Thuật nhấn mạnh ở Việt Nam, người thiểu số đã thực hiện các quyền tham gia chính trị thông qua việc thực hiện dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Số đại diện của người thiểu số trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đang tăng lên. Số đại biểu quốc hội đại diện cho các dân tộc thiểu số trong Quốc hội - Cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước - đang ngày càng tăng.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều người thiểu số giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Sau khi nêu rõ các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đang tiến hành để tăng cường hơn nữa sự tham gia chính trị của người thiểu số, đại biểu Việt Nam mong muốn các nước và các tổ chức quốc tế tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm và giúp đỡ Việt Nam trong việc tăng cường khả năng của các quan chức chính phủ là người thiểu số và nhân dân ở các khu vực thiểu số, nâng cao sự hiểu biết của họ về các quyền con người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục