Quốc hội Hy Lạp chia rẽ về gói thắt chặt chi tiêu

Phó Thủ tướng Hy Lạp, Pangalos dự đoán quốc hội nước này sẽ thông qua gói thắt chặt chi tiêu trong sự chia rẽ của các nghị sỹ.

Sẽ có nhiều nghị sỹ phản đối, song Quốc hội Hy Lạp có thể ủng hộ gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới để giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công.

Phó Thủ tướng Hy Lạp, Theodore Pangalos đưa ra dự đoán như vậy ngày 26/6, một ngày trước khi Quốc hội nước này nhóm họp để thảo luận và thông qua gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới do chính phủ đệ trình.

Phát biểu trên báo El Mundo của Tây Ban Nha, ông Pangalos tin tưởng đảng PASOK cầm quyền của ông sẽ vượt qua bất đồng để gói biện pháp mới được thông qua trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, sẽ diễn ra vào ngày 29/6 tới, liên quan các mục tiêu về tăng thuế và giảm chi tiêu ngân sách, cũng như việc thành lập cơ quan chuyên trách để cổ phần hóa một số tài sản quốc gia. Tuy nhiên, ông không chắc chính phủ sẽ giành được sự ủng hộ của Quốc hội trong cuộc bỏ phiếu vào ngày hôm sau đối với các biện pháp cụ thể cần được thực hiện và những tài sản cụ thể cần được cổ phần hóa.

PASOK hiện chiếm đa số mong manh 155 ghế trong quốc hội 300 thành viên. Trong khi đó, phe đối lập vẫn phản đối lời kêu gọi của giới chức Hy Lạp, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về sự đoàn kết dân tộc để gói biện pháp mới được thông qua một cách suôn sẻ. Chủ tịch đảng Dân chủ Mới, Antoni Samaras thậm chí chỉ trích những biện pháp khắc khổ mới chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay.

Một số nghị sỹ đã rút khỏi PASOK trong 13 tháng qua có dấu hiệu ủng hộ đề xuất mới của chính phủ, nhưng tuyên bố chỉ đưa ra quyết định vào phút chót.

Ngày 20/6 vừa qua, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro đặt điều kiện cho Hy Lạp trong vòng 2 tuần sau đó phải thông qua chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới để được giải ngân kịp thời khoản cứu trợ thứ năm trị giá 12 tỷ euro trong gói cứu trợ 110 triệu euro mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng ý cấp cho Hy Lạp hồi năm ngoái. Nếu không nhận được số tiền này để thanh toán những khoản nợ đáo hạn vào tháng Bẩy tới, Hy Lạp sẽ trở thành nước đầu tiên trong Khu vực đồng euro bị vỡ nợ công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục