Nhật Bản và Australia tiến gần tới việc ký kết EPA

Nhật Bản và Australia đã đạt được thỏa thuận cuối về giảm thuế nhập khẩu thịt bò từ Australia vào Nhật Bản, từ mức 38,5% xuống 30,8%.
Ngày 15/5, Nhật Bản và Australia đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc giảm thuế nhập khẩu thịt bò từ Australia vào Nhật Bản, từ mức 38,5% xuống 30,8%.

Với bước tiến quan trọng này, hai bên sẽ chỉ còn những vấn đề đàm phán liên quan tới thuế ôtô vốn được dự đoán không quá căng thẳng. Do đó, nếu đạt được thỏa hiệp, Nhật Bản và Australia nhiều khả năng sẽ ký được thỏa thuận về Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) trong tháng 6 tới.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Nhật Bản, kết quả của đàm phán Nhật Bản-Australia về EPA cũng có ảnh hưởng lớn tới tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP) mà Nhật Bản đã quyết định tham gia.

Hiện nay, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 60% thịt bò từ Australia. Thỏa thuận giảm thuế quan trên sẽ áp dụng cho nhóm mặt hàng là thịt bò đông lạnh. Theo các chuyên gia Nhật Bản, việc áp dụng mức thuế mới cho nhóm mặt hàng này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong nước, nhất là đối với mặt hàng thịt bò dùng làm thực phẩm hoặc chế biến.

Trong thỏa thuận EPA giữa Nhật Bản và Mêxicô, hai bên cũng duy trì mức thuế quan cho sản phẩm thịt bò nhập khẩu là 30,8%. Mặc dù duy trì mức thuế nhập khẩu cao, song hai bên vẫn đang tiến hành đàm phán theo hướng có thể hạ thấp hơn nữa.

Nhật Bản và Australia bắt đầu tiến hành đàm phán EPA từ năm 2007. Một trong những nội dung quan trọng trong các phiên thảo luận là việc Nhật Bản giảm thuế quan cho ôtô, miễn thuế cho các sản phẩm thịt bò, bột mì, sản phẩm sữa, đường… Việc Nhật Bản muốn áp dụng chính sách bảo hộ nông nghiệp trong khi Australia lại muốn các hãng sản xuất ôtô nước ngoài đẩy mạnh chế tạo trong nước, khiến tiến trình đàm phán rất khó khăn.

Tuy nhiên, kể từ tháng 2 vừa qua, với việc Nhật Bản nới lỏng quy định kiểm soát bệnh bò điên (Bệnh viêm não thể bọt biển ở bò-BSE) đối với mặt hàng thịt bò nhập khẩu từ Mỹ, Australia đã thay đổi lập trường sang hướng mềm dẻo hơn, do lo ngại mất thị phần vào sản phẩm của Mỹ. Cùng với việc bảo đảm các điều kiện xuất khẩu thịt bò có lợi hơn so với của Mỹ, Australia cũng đã chuyển sang hướng mềm dẻo trong cả vấn đề ôtô./.

Trường Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục