APF 6 thảo luận về tài chính, người tị nạn, phụ nữ

Diễn đàn nhân dân ASEAN lần thứ 6 (APF6) đã thảo luận 4 cuộc hội thảo cuối cùng về tài chính, người thiểu số, người tị nạn và phụ nữ.
Chiều tối 25/9, tại Khách sạn Tây Hồ (Hà Nội), Diễn đàn nhân dân ASEAN lần thứ 6 (APF6) đã thảo luận 4 cuộc hội thảo cuối cùng trong 16 hội thảo diễn ra trong ngày làm việc thứ hai.

Các đại biểu tập trung thảo luận các chủ đề, gồm: Hệ thống tài chính quốc tế và Tài chính phát triển: Phản ứng và giải pháp thay thế của nhân dân ASEAN trước các vấn đề và thách thức; Tăng cường hiểu biết và hành động vì sự phát triển công bằng của người dân tộc thiểu số và người bản địa trong ASEAN; Người tị nạn và người bị buộc phải rời bỏ nơi ở; Thay đổi vai trò của Phụ nữ ASEAN: Cơ hội và thách thức.

Hội thảo “Hệ thống tài chính quốc tế và Tài chính phát triển: Phản ứng và giải pháp thay thế của nhân dân ASEAN trước các vấn đề và thách thức”


Tại cuộc hội thảo này, các đại biểu đã thảo luận hai vấn đề chính về các ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính và ứng phó của các chính phủ ASEAN trong thời gian qua; chia sẻ nhu cầu của người dân và đưa ra những khuyến nghị về chính sách và hành động rõ ràng để đối phó với những thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt, sáng kiến tài chính cho giáo dục.

Khủng hoảng tài chính thế giới tác động tiêu cực đến mọi quốc gia trên thế giới, đặc biệt đến những nền kinh tế dễ bị tổn thương của Đông Nam Á. Tìm kiếm những giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và hậu khủng hoảng đã trở thành mối quan tâm chính của toàn thế giới nói chung và của các nước ASEAN nói riêng. Bên cạnh đó, các quốc gia ASEAN cũng phải đương đầu với một số vấn đề liên quan đến tín dụng, gánh nặng nợ công.

Trước tình hình đó, các tổ chức nhân dân kêu gọi ASEAN đặt quyền lợi con người lên hàng đầu, cụ thể là bảo trợ xã hội cho người nghèo, những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng.

Hội thảo “Tăng cường hiểu biết và hành động vì sự phát triển công bằng của người dân tộc thiểu số và người bản địa trong ASEAN”

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những khuyến nghị về công nhận, tôn trọng các quyền cơ bản của người dân tộc thiểu số, nâng cao năng lực nhận thức và đời sống cho những người dân tộc thiểu số, tăng cường giáo dục và các dịch vụ cơ bản như: giáo dục, y tế, giao thông; bảo vệ họ trên mọi mặt đặc biệt là để chống lại những thảm họa tự nhiên, đảm bảo sự tham gia của người dân tộc thiểu số vào quá trình hoạch định và ra quyết sách đối với các vấn đề của đất nước. Hội thảo cũng đề cập tới vấn đề xung đột giữa các nhóm dân tộc thiểu số với nhau.

Hội thảo lần này đã đáp ứng được mục tiêu nâng cao hiểu biết và sự công nhận, mối quan tâm chung và tính độc đáo của các dân tộc thiểu số và người bản địa ở các nước ASEAN.

Tại ASEAN, các chính sách của chính phủ đối với người dân tộc thiểu số và người bản địa là khá đa dạng. Chính phủ nhiều nước ASEAN có chính sách khuyến khích sự phát triển kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa cho người dân tộc thiểu số, triển khai các chương trình phát triển người dân tộc thiểu số như bảo tồn các giá trị văn hóa, giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, chăm sóc y tế, phân đất và phân rừng.

Tuy nhiên, ở một số nơi người dân tộc thiểu số và người bản địa chưa được đối xử công bằng, không được bảo vệ đầy đủ bởi luật pháp nhà nước và nhiều quyền lợi bị vi phạm.

Hội thảo “Người tị nạn và người bị buộc phải rời bỏ nơi ở”

Do nhiều yếu tố đặc thù về địa lý và lịch sử, vấn đề người tị nạn và người phải rời bỏ nơi ở của khu vực Đông Nam Á là một vấn đề phức tạp và chưa được giải quyết hoàn toàn. Vấn đề này đòi hỏi đối thoại và hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ các nước Đông Nam Á. Các tổ chức nhân dân ở Đông Nam Á cũng đã tham gia cùng chính phủ các nước để giải quyết vấn đề này.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung vào thảo luận về tình hình người tị nạn và bị buộc phải rời bỏ nơi ở ở các nước Đông Nam Á, chính sách và sự phối hợp của chính phủ các nước trong việc giải quyết vấn đề này cũng như sự đóng góp của các tổ chức nhân dân trong quá trình này.

Các đại biểu đã trao đổi ý kiến về cách thức, cơ chế phối hợp để bảo vệ người tị nạn và vô gia cư cũng như thúc đẩy mạng lưới các tổ chức nhân dân trong khu vực tham gia giải quyết vấn đề này. Các đại biểu cũng đưa ra các sáng kiến và kiến nghị với chính phủ các nước ASEAN nhằm đưa ra các giải pháp cấp khu vực để giải quyết các vấn đề về tị nạn.

Thay đổi vai trò của phụ nữ ASEAN: Cơ hội và thách thức

Trong chủ đề thỏa luận này, các đại biểu đã đánh giá cao những tiến bộ trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền cũng như vai trò của phụ nữ Đông Nam Á trong đời sống xã hội; thảo luận về những vấn đề bức thiết đang nổi lên đối với phụ nữ ở các nước ASEAN; xác định những thách thức và khoảng trống trong quá trình thúc đẩy quyền con người tại các nước trong khu vực và đưa ra các kiến nghị nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.

Được biết, phụ nữ Đông Nam Á luôn đi đầu trong các phong trào quốc gia và toàn cầu đảm bảo tính đại chúng về quyền bình đẳng nam giới và phụ nữ.

Sau khi ký Hến chương ASEAN năm 2008, các nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ tại Đông Nam Á đã thành lập Nhóm nghị sĩ Phụ nữ nhằm tham gia các tiến trình và cơ chế về quyền con người của ASEAN, tiến tới mục tiêu hiện thực hóa quyền của phụ nữ trong khu vực.

Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đã phê duyệt và tham gia Công ước loại bỏ hình thức phân biệt chống phụ nữ (CEDAW) cũng như cam kết thực hiện tuyên bố Bắc Kinh và Kế hoạch hành động.

Tháng 4/2010, ASEAN trong cam kết thực hiện mục tiêu bình đẳng giới đã thành lập Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em các nước ASEAN (ACWC).

Năm vấn đề trọng tâm được xác định đối với phụ nữ ở Đông Nam Á đòi hỏi những biện pháp có tính thống nhất toàn khu vực nhằm thúc đẩy hơn nữa quyền của phụ nữ. Đó là: bạo hành phụ nữ, quyền tham gia hoạt động chính trị, quyền kinh tế, các luật chống phân biệt đối xử và di cư, các chính sách và công cụ thực hành khác.

Thông qua các cơ chế như ACWC và Ủy ban nhân quyền liên chính phủ ASEAN, các quốc gia thành viên ASEAN cần thực hiện đầy đủ và mạnh mẽ cam kết về quyền con người của mình, đảm bảo công bằng giới, chống phân biệt đối xử theo luật và thực thi trên thực tế.

Trước đó, Diễn đàn Nhân dân ASEAN lần thứ 6 tiếp tục thảo luận chia nhóm với 4 hội thảo cùng lúc với các chủ đề: Kết nối vì một tương lai lành mạnh; Lao động và quyền của người lao động di cư: Việc làm tử tế cho mọi người bao gồm lao động di cư; Thanh niên; Ngư dân ASEAN: Đối mặt với các thách thức đang nổi lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục